Vai trò của chính phủ điện tử để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở một quốc gia

Chính phủ điện tử VN

Chính phủ điện tử đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp

Số lượng công ty khởi nghiệp tại châu Âu đang gia tăng một cách đáng kể. Theo thống kê của European Startup Network, 2021, châu Âu hiện có 80.000 doanh nghiệp, sở hữu đến 51 công ty kỳ lân. Trong thập kỷ qua, 36% trong tổng số công ty khởi nghiệp đang hoạt động trên toàn thế giới nằm tại khu vực này (McKinsey, 2021). Theo Ireland (2021), trong bảng xếp hạng “các quốc gia thân thiện với khởi nghiệp nhất trên thế giới” và đánh giá hàng năm về khả năng cạnh tranh và năng lực của một quốc gia trong nền kinh tế “tập trung vào khoa học và kỹ thuật”, Vương quốc Anh giành được vị trí thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, đồng nghĩa với việc đây là quốc gia thân thiện với khởi nghiệp nhất trong khu vực EU. Một báo cáo gần đây của SME Loans cho biết có đến 64% lực lượng lao động ở Vương quốc Anh muốn thành lập doanh nghiệp. Khởi nghiệp tại Châu Âu giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với một trong những trung tâm kinh doanh lớn nhất thế giới, với cơ sở hạ tầng tinh vi, sự bảo vệ pháp lý mạnh mẽ và lực lượng lao động có tay nghề cao. Tuy nhiên, sự pha trộn của nhiều ngôn ngữ, quy định của từng quốc gia, cũng như sự e ngại về người tài và vô số rào cản khác đã khiến các công ty khởi nghiệp ở châu Âu gặp nhiều khó khăn trong việc tiến lên vị trí dẫn đầu.

Ở cấp độ quốc gia, các học giả về tinh thần tự chủ kinh doanh chủ yếu tập trung vào các khuôn khổ thể chế như chất lượng của chính phủ, tham nhũng và văn hóa, giá trị và tín ngưỡng (Nguyen & Canh, 2020; Aidis & cộng sự, 2008; Li & Zahra, 2012). Mặc dù ngày càng có nhiều nghiên cứu về các yếu tố quyết định tinh thần tự chủ kinh doanh, việc tìm hiểu về phương sai thay đổi giữa các doanh nhân và khởi nghiệp cũng là điều quan trọng không kém (Ratinho & cộng sự, 2020). Thông qua thời gian tìm hiểu, nhóm tác giả nhận thấy có rất ít bài báo phân tích thực nghiệm những ảnh hưởng của chính phủ điện tử đối với số lượng doanh nhân. Do đó, nghiên cứu này cố gắng lấp đầy khoảng trống này bằng cách tập trung vào các vai trò của chính phủ điện tử trong việc nâng cao tinh thần tự chủ kinh doanh.

Để giải thích cho sự lựa chọn này, nhóm tác giả đưa ra các lý do như sau. Thứ nhất, các doanh nghiệp được hưởng lợi lớn khi các dịch vụ công kỹ thuật số hay chính phủ điện tử giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị doanh nghiệp, nhận giấy phép xây dựng, thuê nhân viên và xuất nhập khẩu các mặt hàng (Das & Das, 2021, Fossen & Sorgner, 2021). Thứ hai, theo Das & Das (2021), sự nâng cấp về quy trình này hỗ trợ việc thành lập và duy trì doanh nghiệp, có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới tại một số quốc gia. Cuối cùng, trong bài báo cáo của mình vào năm 2021, Nguyen & cộng sự đã tiết lộ rằng sự không chắc chắn toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của các chính sách kinh tế, xã hội ở từng quốc gia, khiến cho nỗi sợ thất bại gia tăng, đồng thời làm giảm khả năng nắm bắt cơ hội. Bởi vậy, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tin rằng việc chuyển đổi số trong khu vực công đóng vai trò như một lá chắn đối với các doanh nghiệp, bảo vệ họ một phần khỏi những bất lợi gây ra bởi sự không chắc chắn của các chính sách kinh tế, xã hội nói chung.

Tập dữ liệu của nghiên cứu được thu thập từ 28 quốc gia châu Âu trong khoảng từ năm 2012 – 2019. Chúng tôi kết hợp sử dụng nhiều kỹ thuật kinh tế lượng như mô hình ước lượng hiệu chỉnh sai số dữ liệu bảng (PCSE), phương phápước lượng bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (FGLS) và phương pháp mô men tổng quát hai bước (GMM hai bước). Như đã chỉ ra trong tài liệu, phương pháp PCSE và FGLS này rất hữu ích để giải quyết các vấn đề về sự phụ thuộc trong hệ thống kinh tế và hệ thống sản xuất giữa các nền kinh tế (Hausmann & cộng sự, 2014; Hidalgo & Hausmann, 2009). Phương pháp FGLS còn hữu ích trong việc xử lý phương sai sai số thay đổi trong dữ liệu mảng (Liao & Cao, 2013; Nguyen & cộng sự, 2020). Liên quan tới vấn đề nội sinh tiềm ẩn có khả năng làm sai lệch các ước tính, nhóm tác giả dựa theo nghiên cứu của Nguyen & cộng sự, 2021 và lấy các biến giải thích đều bị trễ một năm để giải quyết vấn đề này. Phương pháp GMM hai bước cũng được lựa chọn để xử lý vấn đề nội sinh (Nguyen & cộng sự, 2020). Để rà soát những giả định được đưa ra, nhóm tác giả lần lượt thêm các biến giải thích bổ sung vào mô hình ban đầu. Hơn nữa, chúng tôi cũng sử dụng mô hình ARDL (Autoregressive Distributed Lag) kết hợp tác động cố định dạng động (DFE) để tìm hiểu tác động ngắn hạn và dài hạn của số hóa đối với mật độ khởi nghiệp. DFE-ARDL là một mô hình thích hợp để đánh giá tác động ngắn hạn và dài hạn trong khi kiểm soát sự tồn tại có thể có của hiệu ứng cố định thời gian và cố định quốc gia (time-fixed effects và country-fixed effects) (Pesaran & cộng sự, 1999). Từ đó, chúng tôi xem xét tác động của chính phủ điện tử đối với thời gian và chi phí cần thiết để khởi nghiệp.

Cấu trúc của bài nghiên cứu này gồm 5 phần. Trong phần tổng quan lý thuyết tiếp theo, nhóm tác giả giới

thiệu một số trường phái tư tưởng chính liên quan đến khởi nghiệp và sau đó đưa ra lý thuyết về mối quan hệ giữa khởi nghiệp và Chính phủ điện tử. Phần 3 giới thiệu dữ liệu và các phương pháp nghiên cứu. Kết quả được trình bày trong phần 4. Cuối cùng, phần 5 gồm kết luận nghiên cứu và khuyến nghị.

Đặc trưng của chính phủ điện tử

Đặc trưng của chính phủ điện tử là việc sử dụng các hệ thống điện tử và Internet để cải thiện các dịch vụ công cho người dân (Al-Yafi & cộng sự, 2016). Các nghiên cứu về vấn đề này (cải thiện dịch vụ cho người dân) đã định nghĩa chính phủ điện tử đơn giản là cung cấp các dịch vụ điện tử cho người dân thông qua Internet (Basu, 2004; Evans & Yen, 2006; Layne & Lee, 2001; Yildiz, 2007). Mặt khác, khi thu hút nhiều sự chú ý hơn, chính phủ điện tử được định nghĩa là một kênh để cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ (Navarra & Cornford, 2005) và là một công cụ để bắc cầu ngăn cách kỹ thuật số (Cegarra-Navarro & công sự., 2012). Theo Guo (2010), mục tiêu của chính phủ điện tử là tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn; khách hàng trực tuyến thay vì xếp hàng truyền thống; tăng cường quản trị điều hành và mở rộng đầu tư công; tăng năng suất và hiệu quả của các cơ quan chính phủ.

Dựa theo phân tích của Besley (2015), việc phổ biến trong việc sử dụng chính phủ điện tử tạo ra môi trường kinh doanh tích cực cho các nhà đầu tư và điều kiện khởi nghiệp tích cực cho các nhà kinh doanh mới (kết luận đưa ra dựa theo báo cáo về môi trường kinh doanh của World Bank, 2015). Obeidat & Abu- Shanab (2010) cũng trao đổi rằng chính phủ điện tử cũng thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Các hoạt động và hình thức kinh doanh dựa trên chuyển đổi số này đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong các hình thức đăng ký kinh doanh khởi nghiệp. Có thể thấy rằng mối quan hệ giữa chính phủ điện tử và mật độ khởi nghiệp là rõ ràng.

Quá trình khởi nghiệp được đánh giá là gặp phải rất nhiều khó khăn (Abu-Shanab & Osmani, 2019). Chúng tôi chỉ ra rằng sự phổ biến và mức độ phát triển có thể giúp hạn chế những khó khăn này. Các nguyên nhân được chỉ ra như sau. Thứ nhất, Abie & cộng sự (2004) cho rằng việc chuyển đổi hoạt động của Chính phủ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và chính họ. Điều này có nghĩa là các công ty tư nhân có thể cung cấp các dịch vụ cho chính phủ, chẳng hạn như các dịch vụ trực tuyến.

Hơn nữa, chính phủ cần quy định việc sử dụng dữ liệu để tránh việc sử dụng dữ liệu sai mục đích và sự giám sát không phù hợp của mình. Điều này cho phép chính phủ cung cấp một lượng lớn thông tin sẵn có dưới dạng điện tử một cách an toàn, mở ra các cơ hội kinh doanh mới và cải thiện các dịch vụ công dân. Qua đó, chính phủ điện tử cũng có thể nâng cao niềm tin và sự tự tin của doanh nghiệp vào chính phủ (Tolbert & Mossberger, 2006). Adam (2020) chỉ ra rằng các sáng kiến chính phủ điện tử giúp nâng cao chất lượng thể chế của một quốc gia. Sự phát triển công nghệ như chính phủ điện tử có thể làm cho các thể chế minh bạch hơn trong quy trình xử lý. Việc thành lập một hoạt động kinh doanh mới sẽ phải trải qua các thủ tục hành chính cần thiết và giấy phép kinh doanh là một yêu cầu bắt buộc phải có cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp (Spinuzzi & cộng sự (2016). Các hạn chế khó khăn cho quá trình khởi nghiệp liên quan tới sự chậm trễ hay sự chồng chéo trong thủ tục hành chính hoặc đăng ký giấy phép kinh doanh sẽ được tháo gỡ thông qua quá trình chuyển đổi số các dịch vụ công của chính phủ (Abu-Shanab & Osmani, 2019; Besley, 2015). Thông qua đó, các doanh nhân cũng có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của chính phủ và tin tưởng hơn vào các tổ chức công cung cấp các dịch vụ này.

Chất lượng thể chế có tác động tích cực đến cả tinh thần tự chủ kinh doanh và mật độ khởi nghiệp

Thứ hai, Adam (2020) xác định rằng sự phổ cập chính phủ điện tử ở một quốc gia có thể làm giảm thiểu mức độ tham nhũng ở quốc gia đó. Mặt khác, Aidis & cộng sự (2010) sử dụng các cuộc khảo sát của GEM ở 47 quốc gia để kết luận rằng, việc giảm thiểu tham nhũng (và minh bạch hóa các quyền sở hữu) sẽ giúp thúc đẩy khát vọng mở rộng kinh doanh. Phát hiện của họ nhấn mạnh rằng các các nhà đầu tư thường hay cân nhắc các hoạt động quy mô lớn hơn ở những nơi có quyền tài sản được đảm bảo và tồn tại ít tham nhũng hơn. Do đó, các tác động của chính phủ điện tử đối với mật độ khởi nghiệp có thể phụ thuộc vào tương quan mức độ hiệu quả của chính phủ. Liu & cộng sự (2018) cũng cho thấy rằng mức độ tham nhũng thấp có thể giúp thúc đẩy tinh thần tự chủ kinh doanh. Cụ thể, chất lượng thể chế có tác động tích cực đến cả tinh thần tự chủ kinh doanh và mật độ khởi nghiệp như mong đợi bởi các doanh nhân cảm thấy tự tin hơn để bắt đầu kinh doanh, điển hình là khi mà họ đã có một kênh để tương tác và khiếu nại. Điều này đặc biệt đúng đối với phân khúc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi mà tham nhũng vặt cũng có thể là sự kìm hãm lớn đối với sự phát triển của họ. Mặc dù Trung Quốc là một mô hình khá thành công về sự phát triển kinh doanh trong đa lĩnh vực, nhưng vẫn tồn tại một vài lĩnh vực kinh doanh khác coi tham nhũng là một yếu tố “thông thường’, và được chấp nhận rộng rãi khi khởi nghiệp. Sự đặc thù của những ngành nghề này có thể tạo nên một mối quan hệ tham nhũng-kinh doanh độc đáo, nơi mà tham nhũng cũng là một động lực để phát triển.

Thứ ba, đổi mới sáng tạo được xem là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hình thành và phát triển của mật độ khởi nghiệp (Eurochambres, 2003). Việc phát triển chính phủ điện tử ở một quốc gia sẽ nhấn mạnh vai trò của nhân tố đổi mới sáng tạo này hơn (Abu-Shanab & Osmani, 2019). Ngoài ra, một quốc gia với sự phát triển của chính phủ điện tử cũng sẽ có nền tảng khoa học công nghệ tốt hơn, từ đó đẩy mạnh quá trình tự chủ, kinh doanh mới ở quốc gia đó.

Thông qua các phân tích, nhóm tác giả chỉ ra rằng chính phủ điện tử đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở một quốc gia.

Kết luận

Kết quả cho thấy tác động của chính phủ điện tử đối với tinh thần tự chủ kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn. Ta thấy được tác động này trong ngắn hạn không rõ ràng, nhưng nó lại trở nên rất đáng kể trong dài hạn. Điều này có nghĩa là nếu quá trình xây dựng chính phủ điện tử mới được bắt đầu, tác động của chúng đối với tinh thần tự chủ kinh doanh trong ngắn hạn là rất mơ hồ, bằng chứng là trong Bảng 5, các kết quả không có ý nghĩa trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu chính phủ điện tử được tăng cường trong dài hạn, điều này sẽ tác động tích cực đến mật độ khởi nghiệp. Những nỗ lực của các chính phủ quốc gia trong việc đưa các dịch vụ của họ lên mạng đã có tác dụng làm cho việc bắt đầu kinh doanh mới trở nên dễ dàng hơn (nhanh hơn và rẻ hơn) (Das & Das, 2021). Lý do là chính phủ điện tử có thể giúp các doanh nghiệp thu hút nhiều khách hàng hơn, tiếp thu nhiều kiến thức hơn, dẫn tới kết quả mong muốn trong tăng trưởng kinh doanh và cường hoá lợi nhuận.

Tác động của hiệu ứng lây lan biến động rủi ro giữa các thị trường chứng khoán Việt Nam và Thế giới – TOZUS – Kiến thức Kinh tế Tài chính Việt Nam

5/5 - (2 votes)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses cookies. By browsing this website, you agree to our use of cookies. Visit our Privacy Policy