Thực trạng giải pháp và chính sách ứng phó với tác động của Đại dịch COVID-19 của doanh nghiệp và Nhà nước
Về phía doanh nghiệp
Để đối phó với Đại dịch COVD-19, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế những khó khăn do tác động của dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh. Theo khảo sát của VCCI năm 2020, biện pháp mà nhiều doanh nghiệp thực hiện nhất là cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động, kế đến là doanh nghiệp chuyển đổi sang làm việc theo phương thức, mô hình mới, linh hoạt hơn. Dự trữ hàng hoá và nguyên vận liệu cũng là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn tiếp theo. Tiếp đến, một số doanh nghiệp đã tìm kiếm cho mình các giải pháp mới để thay thế chuỗi cung ứng và đào tạo kỹ năng số cho người lao động để triển khai phương pháp làm việc trực tuyến.
Báo cáo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2020) cho thấy, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp nói chung trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có các giải pháp cụ thể: 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm qui mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.
Thực trạng giải pháp và chính sách ứng phó với tác động của Đại dịch COVID-19 của doanh nghiệp và Nhà nước
Về phía chính sách vĩ mô của Nhà nước
Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, nhiều chính sách vĩ mô của Nhà nước đã được ban hành. Thực tế, các chính sách của Nhà nước từ đầu mùa dịch tới nay đã hạn chế được phần nào tác động của Đại dịch tới doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể như sau:
Chính phủ đã ban hành chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Đại dịch COVID-19 (Chính phủ, 2020a). Theo chính sách này 98% doanh nghiệp đang hoạt động và hầu hết các hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh đều được gia hạn thuế và tiền thuê đất với tổng mức lên tới khoảng 180 nghìn tỷ VND. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ như giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 (Thủ tướng Chính phủ, 2020), giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2021 (Thủ tướng Chính phủ, 2021). Năm 2022, Chính phủ thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội . Về phía Quốc hội cũng đã ban hành chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 200 tỷ VND (Quốc hội, 2020a). Quốc hội đã thông qua một loạt chính sách hỗ trợ như giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, miễn giảm và trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt đồng phòng chống COVID-19; Hỗ trợ lãi suất 2%/năm với nguồn quỹ là 40 nghìn tỷ VND thông qua các ngân hàng thương mại; cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ VND. Đối với người lao động trong các doanh nghiệp thì hỗ trợ tiền thuê nhà với nguồn tài trợ lên tới khoảng 6,6 nghìn tỷ VND (Quốc hội, 2022b).
Chính sách an sinh xã hội của Chính phủ có nội dung dành 62 nghìn tỷ VND hỗ trợ 20 triệu người lao động bị ảnh hưởng COVID-19, trợ giúp một phần cho các doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất đảm bảo cuộc sống cho người lao động (Chính phủ, 2020b).
Các chính sách về cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp (Ngân hàng Nhà nước, 2020a, 2020b; Chính phủ, 2021). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tiếp 03 lần điều chỉnh các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5 – 2,0% đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6 – 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng. Quốc hội tiếp tục ban hành chính sách giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% trong 02 năm 2022, 2023 (Quốc hội, 2022), đồng thời hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chi phí thấp hơn, qua đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp hơn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính sách hỗ trợ tín dụng từ ngành ngân hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nợ nhằm hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và các giải pháp hỗ trợ khác (Ngân hàng Nhà nước, 2020c, 2020d, 2020e).
Gói tín dụng của các Ngân hàng thương mại trị giá 250 nghìn tỷ VND với lãi suất thấp hơn 2%/năm so với thời điểm trước dịch. Tăng trưởng tín dụng đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu định hướng, khả năng hấp thụ vốn, đi đôi với chất lượng tín dụng (Hồng Anh, 2021).
Ngoài chính sách về tài khoá và tiền tệ nói trên, các chính sách khác nhằm tăng cường xuất nhập khẩu, phát triển thị trường; hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại áp dụng ngay các hình thức xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, môi trường điện tử… cũng được quan tâm từ Trung ương tới các địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vửa phục hồi trong Đại dịch và phát triển.
Các chính sách trên của Nhà nước đã phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất và vượt qua dịch bệnh. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2020), chỉ có 22,25% các doanh nghiệp được điều tra nhận được hỗ trợ. Về nguyên nhân, 54,67% số doanh nghiệp cho rằng không đáp ứng được điều kiện để nhận được hỗ trợ; 25,95% số doanh nghiệp không biết đến các chính sách hỗ trợ; và 14,88% cho rằng quy trình, thủ tục hỗ trợ còn quá phức tạp nên các doanh nghiệp không muốn tiếp cận các hỗ trợ. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê (2020), có tới 64,6% doanh nghiệp được hỏi đã biết tới chính sách hỗ trợ nhưng không biết đầu mối để tiếp cận và tỷ lệ này tập trung khá lớn ở quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, việc triển khai các gói hỗ trợ hiện này còn chậm, thủ tục rườm ra, khó đảm bảo công khai, minh bạch và mang lại hiệu quả tối đa. Nguồn lực các gói hỗ trợ của chúng ta còn hạn chế do điều kiện ngân sách và tránh lạm dụng sẽ gây ra lạm phát.
Giải pháp và chính sách cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong thời gian tới
Đối với các chính sách vĩ mô của Nhà nước
Đại dịch COVID-19 được dự báo là vẫn còn diễn biến phức tạp, trong bối cảnh đó, theo chúng tôi hệ thống chính sách vĩ mô của Nhà nước cần phải linh hoạt, bám sát diễn biến của Đại dịch trong nước và trên thế giới để điều tiết và hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục duy trì các chính sách đã đem lại hiệu quả cho các doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh, như các chính sách hỗ trợ giảm chi phí đầu vào, các chính sách tài khoá, tiền tệ, các chính sách tín dụng, các chính sách hoãn, giãn chi trả nợ, miễn lãi, giảm lãi, hoãn thuế phí, hoãn hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Đại dịch. Tuy nhiên, cần tập trung vào những nhóm doanh nghiệp và lĩnh vực trọng điểm có thế mạnh của Việt Nam để tập trung hỗ trợ, tạo đà bứt phá sau Đại dịch. Trong đó cần đặc biệt ưu tiên cho nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này.
Thứ hai, đẩy mạnh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ tới doanh nghiệp bằng cách tuyên truyền phổ biến chính sách tới các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong thời gian Đại dịch để doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng các gói hỗ trợ này hơn. Đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đa dạng hoá, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế, thương mại thế giới và các cuộc khủng hoảng về y tế, kinh tế trong tương lai.
Thứ ba, trong khi chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm mạnh thì đầu tư công sẽ là bệ đỡ chính cho tăng trưởng kinh tế. Do vậy, đẩy mạnh chi tiêu đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng, trong đó có vai trò tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, cần tạo cơ chế cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận và cần có cơ chế giám sát, kiểm tra một cách minh bạch tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực từ Nhà nước. Trong đầu tư công cũng cần lưu ý phương thức đối tác công tư (PPP) để tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, Chính phủ cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, môi trường đầu tư cải thiện để tạo đà phục hồi và tăng trưởng sau Đại dịch.
Thứ tư, cần nghiên cứu và ban hành thêm gói kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau các gói đã ban hành theo hướng tập trung các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng, có khả năng phục hồi tốt sau Đại dịch, sử dụng nhiều lao động, có tiềm năng và lợi thế của đất nước để tập trung nguồn lực hỗ trợ. Tránh hỗ trợ theo hình thức dàn trải, gây lãng phí nguồn lực đất nước và dễ tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp yếu kém lợi dụng.
Thứ năm, cần nghiên cứu và tập hợp những kinh nghiệm tốt từ thế giới và trong nước về chống dịch, duy trì sản xuất kinh doanh trong Đại dịch để tuyên truyền phổ biến tới toàn bộ doanh nghiệp trong cả nước nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tận dụng tốt các FTAs thế hệ mới, mở rộng thị trường nguyên liệu và xuất khẩu, đa dạng hoá nguồn cung, cầu. Cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh Đại dịch COVID-19 kéo dài, sau những năm cố gắng và với chiến lược phù hợp, hiệu quả, Việt Nam đã, đang là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài, bởi vậy Chính phủ cũng cần có chính sách và mục tiêu rõ ràng để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào các chuỗi của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại các địa phương.
Thứ sáu, cần xác định sau những nỗ lực về Vaccine trên phạm vi cả nước, tình hình dịch bệnh tuy có tăng nhưng đã được kiểm soát với số ca tử vong giảm mạnh, từ việc sống chung với dịch bệnh chúng ta cần tâm thế vượt lên dịch bệnh để phát triển. Do đó, các chính sách vĩ mô cần thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh các chính sách cứng nhắc về giãn cách, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp (ngăn sông cấm chợ, 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến, luồng xanh…) để tạo điều kiện doanh nghiệp tự chủ trong phòng chống dịch, yên tâm tập trung sản xuất kinh doanh và xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả với các đối tác trong và ngoài nước.
Thứ bảy, nghiên cứu và thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa với tiêu chí rõ ràng, minh bạch, cụ thể để hỗ trợ đúng, trúng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiềm năng có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Chính phủ.
Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, nâng cao quản trị doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao sức chống chịu, khả năng phục hồi và phát triển của doanh nghiệp; Đẩy mạnh cải cách về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm thanh kiểm tra doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có điểm tựa vững chắc, sự hỗ trợ hợp lý để tồn tại và phát triển không chỉ trong Đại dịch COVID-19 và còn những cuộc khủng hoảng khác cả về y tế và chính trị trên thế giới.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Qua nghiên cứu, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa đều bị ảnh hưởng từ Đại dịch, thậm chí là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hầu hết các khía cạnh kinh doanh. Tuy nhiên, Đại dịch cũng tạo ra sự sàng lọc giữa các doanh nghiệp, buộc mỗi doanh nghiệp phải thay đổi từ tư duy đến đường lối phát triển để thích nghi và chủ động ứng phó trước những biến động của nền kinh tế trong nước và quốc tế. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng trong bối cảnh của Đại dịch các giải pháp từ phía bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung khắc phục là:
Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi diễn biến của Đại dịch ở cả trong và ngoài nước, cập nhật các thông tin từ chính quyền Trung ương, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp. Trước mắt, cần đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh an toàn cho người lao động, đánh giá chính xác sự thay đổi của cung, cầu thị trường từ đó điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động cập nhật các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tận dụng nhanh chóng phục hồi và phát triển. Xây dựng kênh đối thoại trực tiếp để kiến nghị những khó khăn vướng mắc của mình và lĩnh vực của mình tới chính quyền địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, VCCI để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, tái định hình doanh nghiệp theo hướng giảm đầu mối, tăng hiệu quả, cập nhật công nghệ, cơ cấu và đào tạo lại nhân lực, cắt giảm những chi phí có thể. Trong nhiều trường hợp kinh doanh không hiệu quả trong đại dịch thì cần có các phương án tạm thời dừng hoạt động để bảo toàn và tái đầu tư về sau.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần phát triển các nguồn nguyên vật liệu trong nước, tìm và thay thế các nguồn nhập khẩu, phát triển các nguồn nguyên liệu và liên kết các nhà cung ứng nội địa.
https://seotravel.net/tac-dong-cua-dai-dich-den-doanh-nghiep-nho-va-vua-o-viet-nam/
Bài cùng danh mục:
Vai trò môi trường tự chủ và động lực nội tại đến sự sáng tạo của người lao động
Mối quan hệ giữa sự đánh giá hàng ngoại và hành vi tiêu dùng hàng nội
Xử lý khiếu nại và niềm tin của khách hàng trong kinh doanh – by SeoTravel
Tiêu chí đánh giá lợi thế cạnh tranh trong sản xuất như thế nào?
Chất lượng dịch vụ trong giáo dục đại học đối với Sự hài lòng của sinh viên
Nhân tố tác động đến hành vi mua sắm hợp kênh Omnichannel
Bài viết nỗi bật
Tác động đại dịch COVID-19 đến tỷ suất sinh lợi cổ phiếu trên thị trường
Thị trường chứng khoán là phong vũ biểu đo lường sức khỏe tài chính của mỗi quốc gia, thường nhạy...
Vấn đề bảo hiểm khi du học tại Hoa Kỳ
Bảo hiểm khi du học tại Hoa Kỳ Thông tin du học ở Hoa Kỳ: Bảo hiểm Không ai muốn...
Yếu tố quy mô doanh nghiệp đối với tác động của đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp
Lý thuyết lợi thế kinh tế vì quy mô cho rằng doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí hơn...
Bản chất ý nghĩa của tiền lương tối thiểu
Bản chất ý nghĩa của tiền lương tối thiểu Một số khái niệmPhân loại tiền lương tối thiểuVai trò của...