Thị trường chứng khoán là phong vũ biểu đo lường sức khỏe tài chính của mỗi quốc gia, thường nhạy cảm và phản ứng trước các tin tức và sự kiện lớn như chính trị (Bash & Alsaifi, 2019; Shanaev & Ghimire, 2019) hoặc thể thao lớn (Buhagiar & cộng sự, 2018) hay các thảm họa (Kowalewski & Śpiewanowski, 2020). Nhiều nghiêu cứu cho thấy thị trường chứng khoán còn phản ứng trước thông tin dịch bệnh từ việc bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) hoặc do bùng phát dịch bệnh virus Ebola (Chen & cộng sự, 2007; Baker & cộng sự, 2012; Wang & cộng sự, 2013; Bai, 2014). Các nghiên cứu gần đây cho thấy đại dịch bệnh COVID-19 có tác động lớn đến thị trường chứng khoán các nước ở các mức độ khác nhau.
Đại dịch bùng phát do COVID-19 gây ra những tổn thất lớn cho kinh tế toàn cầu (Al-Awadhi & cộng sự, 2020; Topcu & Gulal, 2020). Mặc dù các nước áp dụng các biện pháp thắt chặt và nghiêm ngặt nhưng không thể ngăn chặn sự lây lan sang các nước khác. Việt Nam cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế trước làn sóng lây lan đại dịch, đặc biệt là thị trường chứng khoán.
Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều phiên biến động và giao dịch sụt giảm kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay rất ít nghiên cứu thực nghiệm đi sâu phân tích tác động từ diễn biến đại dịch COVID-19 đến tỷ suất sinh lợi cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là ở các giai đoạn khác nhau của làn sóng đại dịch. Do vậy, mục tiêu của bài viết nhằm cung cấp chứng cứ thực nghiệm về tác động của diễn biến đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đến tỷ suất sinh lợi cổ phiếu, đặc biệt ở ba đợt bùng phát dịch gần đây. Bài viết còn mở rộng kiểm định hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong bối cảnh đại dịch. Kết quả tìm được sẽ có ý nghĩa cho nhà đầu tư, nhà quản trị tài chính, nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn bùng phát và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại Việt Nam. Bài viết khảo sát mẫu dữ liệu của 224 công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE), từ ngày 31/12/2019 đến 31/3/2021.
Trong đó phải kể đến kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch COVID-19, tác động lớn đến thị trường chứng khoán nước này. Bằng chứng của Baek & cộng sự (2020) cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ biến động do các chỉ số kinh tế vĩ mô và nhạy cảm với những thông tin tích cực và tiêu cực về đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, tin tức tiêu cực về COVID-19 có tác động nhiều hơn đến biến động trên thị trường chứng khoán. Haroon & Rizvi (2020) cũng tìm thấy sự hoảng loạn quá mức do các hãng tin tức tạo ra có liên quan đến sự biến động ngày càng tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ. Những lĩnh vực vận tải, ô tô, năng lượng, du lịch và giải trí chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự bùng phát của COVID-19.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng do tác động của đại dịch COVID-19. Al- Awadhi & cộng sự (2020) phân tích các cổ phiếu trong đợt bùng phát dịch COVID-19 từ ngày 10/01/2020 đến 16/3/2020 cho thấy COVID-19 gây ra phản ứng tiêu cực đến tỷ suất sinh lợi ở chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite. Tỷ suất sinh lợi cổ phiếu đều sụt giảm liên tục, và sự sụt giảm càng gia tăng khi có sự gia tăng số cả tử vong do COVID-19 gây ra. Nhóm tác giả này còn tìm thấy tỷ suất sinh lợi cổ phiếu của các công ty ngành công nghệ thông tin và ngành dược phẩm tăng tốt hơn so với tổng thể thị trường, ngược lại cổ phiếu của các công ty ngành đồ uống, vận tải hàng không, vận tải đường thủy, vận tải đường bộ lại có tỷ suất sinh lợi thấp hơn trong thời gian bùng phát dịch.
Không chỉ dừng lại nghiên cứu phản ứng của thị trường chứng khoán ở một nước mà nhiều bài viết còn mở rộng ở các nhóm nước có cùng mức độ tương đương. Ashraf (2020) tìm thấy thị trường chứng khoán suy giảm, phản ứng tiêu cực trước số ca nhiễm COVID-19 tăng lên hàng ngày, nhưng lại có phản ứng chậm hơn trước thông tin số ca tử vong do COVID-19 ở 64 nước có dịch bệnh bùng phát và thị trường chứng khoán phát triển. Ngoài ra, Ashraf (2020) chứng minh phản ứng của thị trường thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn bùng phát, rất tiêu cực trong 20 ngày đầu tiên khi có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Sau đó, thị trường chứng khoán lại tiếp tục sụt giảm liên tục từ ngày thứ 40 đến ngày thứ 60 của ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Tương tự, Topcu & Gulal (2020) cũng tìm thấy bằng chứng đại dịch bệnh COVID-19 có tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán của nhóm 26 nước thị trường mới nổi; tuy nhiên tác động tiêu cực này đã bắt đầu giảm dần vào giữa tháng 4/2020. Khi chia theo khu vực lãnh thổ thì tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 là cao nhất ở các châu Á, trong khi các nước châu Âu có mức độ ảnh hưởng thấp nhất. Ngoài ra, Topcu và Gulal (2020) còn tìm thấy thời gian và quy mô của gói kích cầu do chính phủ các nước cung cấp đóng vai trò trong việc bù đắp tác động từ đại dịch COVID-19. Nghiên cứu của Li & cộng sự (2021) cũng tìm thấy biến động thị trường chứng khoán tăng lên đáng kể ở các nhóm nước G20 trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và mức độ biến động thay đổi khác nhau ở các giai đoạn của COVID-19.
Các nghiên cứu trên cho thấy thị trường chứng khoán ở các nước có sự thay đổi mạnh mẽ trước các diễn biến thông tin về tình hình COVID-19, và có xu hướng là tiêu cực, không tốt trước các thông tin về dịch bệnh này. Nhưng mức độ phản ứng là khác nhau ở mỗi nước và khác nhau ở mỗi thời điểm bùng phát dịch COVID-19, và khác nhau ở các chính sách điều hành của chính phủ mỗi nước.
Tại Việt Nam, Hung Dang Ngoc & cộng sự (2021) cho thấy góc nhìn của thị trường chứng khoán phản ứng khác nhau trước từng biện pháp phòng ngừa COVID-19 của Chính phủ. Trong khi đó, Cuong Thanh Nguyen & cộng sự (2021) cung cấp bằng chứng tác động tiêu cực của tỷ lệ tăng hàng ngày của số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đến hiệu quả hoạt động của các cổ phiếu của nhóm tài chính ngân hàng. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của cổ phiếu được cải thiện trước các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.
Tác động đại dịch COVID-19 đến tỷ suất sinh lợi cổ phiếu trên thị trường chứng khoán
Sử dụng phương pháp ước lượng GLS cho 224 công ty niêm yết trên HOSE để nghiên cứu tác động của thông tin diễn biến đại dịch COVID-19 đến tỷ suất sinh lợi cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam và kiểm định hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành khác nhau trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Một số kết quả chính được rút ra như sau:
- Thứ nhất, thông tin về diễn biến đại dịch COVID-19 tại Việt Nam có tác động đến tỷ suất sinh lợi cổ phiếu. Cụ thể, tỷ suất sinh lợi cổ phiếu có xu hướng sụt giảm trước thông tin tỷ lệ gia tăng hàng ngày của số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều thú vị là các nhà đầu tư lại phản ứng tích cực trước tỷ lệ gia tăng của số ca tử vong do COVID-19, đây là mối tương quan cùng chiều. Nghĩa là, tỷ suất sinh lợi có phản ứng cùng chiều trước thông tin gia tăng về số ca tử vong.
- Thứ hai, tỷ suất sinh lợi cổ phiếu có những phản ứng riêng biệt trước thông tin diễn biến ở các đợt bùng phát dịch. Cụ thể, ở đợt bùng phát lần thứ nhất và lần thứ ba, tỷ suất sinh lợi cổ phiếu đều sụt giảm trước thông tin tỷ lệ số ca nhiễm COVID-19 gia tăng. Nhưng tỷ suất sinh lợi cổ phiếu ở đợt dịch lần ba có sự sụt giảm nhiều hơn so với đợt dịch lần đầu. Trong khi đó, ở đợt dịch bùng phát lần thứ hai, tỷ suất sinh lời cổ phiếu có phản ứng tích cực trước số liệu COVID-19 công bố.
- Thứ ba, tỷ suất sinh lợi cổ phiếu của nhóm ngành Vật liệu cơ bản được hưởng lợi hơn, hoạt động hiệu quả trên thị trường hơn so với các nhóm ngành còn lại. Ngược lại, cổ phiếu nhóm ngành Dịch vụ tiêu dùng hoạt động kém hiệu quả so với các nhóm ngành còn lại trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Kết quả cho thấy đại dịch COVID-19 phần lớn có xu hướng tác động tiêu cực đến tỷ suất sinh lợi cổ phiếu. Tuy nhiên đây cũng là thời cơ để nhà đầu tư thanh lọc, lựa chọn cổ phiếu phù hợp để tối đa hóa dòng tiền. Bài viết cho rằng nhà đầu tư cần quan tâm đến cổ phiếu thuộc nhóm ngành Vật liệu cơ bản trong danh mục đầu tư.
Mặc dù COVID-19 đem lại nhiều tiêu cực nhưng trong bối cảnh đại dịch còn nhiều phức tạp và kéo dài thì thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư mang lại nhiều cơ hội. Đại dịch giúp công ty nhìn lại hệ thống điều hành và tổ chức hoạt động để đưa ra các phương án tái cấu trúc doanh nghiệp. Tuy nhiên thị trường và doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ về cơ chế thuế, gói tín dụng an toàn với chi phí thấp nhằm thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp. Những điều này sẽ tạo ra động lực để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định và bền vững, giúp Chính phủ thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa hoàn thành các mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế.
https://seotravel.net/tac-dong-cua-dai-dich-den-doanh-nghiep-nho-va-vua-o-viet-nam/
https://seotravel.net/thuc-trang-giai-phap-va-chinh-sach-ung-pho-voi-tac-dong-cua-dai-dich-covid-19/
Bài cùng danh mục:
Vai trò môi trường tự chủ và động lực nội tại đến sự sáng tạo của người lao động
Mối quan hệ giữa sự đánh giá hàng ngoại và hành vi tiêu dùng hàng nội
Xử lý khiếu nại và niềm tin của khách hàng trong kinh doanh – by SeoTravel
Tiêu chí đánh giá lợi thế cạnh tranh trong sản xuất như thế nào?
Chất lượng dịch vụ trong giáo dục đại học đối với Sự hài lòng của sinh viên
Nhân tố tác động đến hành vi mua sắm hợp kênh Omnichannel
Bài viết nỗi bật
Tác động đại dịch COVID-19 đến tỷ suất sinh lợi cổ phiếu trên thị trường
Thị trường chứng khoán là phong vũ biểu đo lường sức khỏe tài chính của mỗi quốc gia, thường nhạy...
Vấn đề bảo hiểm khi du học tại Hoa Kỳ
Bảo hiểm khi du học tại Hoa Kỳ Thông tin du học ở Hoa Kỳ: Bảo hiểm Không ai muốn...
Yếu tố quy mô doanh nghiệp đối với tác động của đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp
Lý thuyết lợi thế kinh tế vì quy mô cho rằng doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí hơn...
Bản chất ý nghĩa của tiền lương tối thiểu
Bản chất ý nghĩa của tiền lương tối thiểu Một số khái niệmPhân loại tiền lương tối thiểuVai trò của...