Tìm hiểu nhận thức và giáo dục liêm chính ảnh hưởng như thế nào tới hành vi hối lộ của thanh niên ở Việt Nam.
Nhận thức, giáo dục liêm chính và hành vi hối lộ
Thanh niên – bao gồm những cá nhân có độ tuổi từ 15 đến 30 – là tương lai của đất nước và đội ngũ thanh niên liêm chính đóng vai trò quan trọng trong phòng chống tham nhũng và xây dựng thể chế không tham nhũng trong tương lai (Transparency International, 2014). Các nghiên cứu trước cho rằng giáo dục liêm chính giúp nâng cao nhận thức và giá trị liêm chính (Cox & cộng sự, 2017; OECD, 2018; Transparency International, 2009). Rosmi (2020) cho rằng thanh niên có nhận thức liêm chính sẽ trung thực, minh bạch và có trách nhiệm hơn, do đó có thể ngăn chặn tham nhũng. Tuy nhiên, trong thực tế các nghiên cứu về liêm chính của giới trẻ do Tổ chức Hợp tác phát triển Kinh tế, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) hay Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc thực hiện cho thấy thanh niên có nhận thức tốt về liêm chính nhưng vẫn có hành vi hối lộ. Vậy, giáo dục và nhận thức liêm chính có thực sự giúp thanh nhiên liêm chính hơn hay ít hối lộ hơn vẫn là vấn đề tiếp tục kiểm định.
Liêm chính là gì?
Liêm chính là thuật ngữ được sử dụng nhiều nhưng hiểu khá phức tạp bởi nó được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học và cấp độ khác nhau (Cox & cộng sự, 2017). Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu từ thế kỷ XIV với nghĩa là không thể mua chuộc được. Theo từ điển Oxford, “integrity” được hiểu theo ba nghĩa:
(i) phẩm chất trung thực và ngay thẳng, (ii) trạng thái thống nhất, toàn vẹn và đoàn kết một khối, (iii) sự vững chãi của một kết cấu/công trình. Liêm chính được coi là phẩm chất của cá nhân thể hiện sự trung thực, sự tuân thủ nhất quán và không khoan nhượng đối với các nguyên tắc và giá trị đạo đức. Theo cách hiểu của TI: “liêm chính là hành vi hay hành động phù hợp với nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức, được cá nhân và tổ chức chấp nhận, tạo nên rào cản đối với tham nhũng” (Transparency International, 2009). Liêm chính có thể được sử dụng đồng nghĩa với đạo đức, nhưng hành vi liêm chính đôi khi không phải là hành vi đạo đức, thậm chí có thể vi phạm giá trị đạo đức nghiêm trọng.
Liêm chính có thể được xây dựng qua giáo dục, nhất là giáo dục cho giới trẻ. Các nội dung được chấp nhận chung của chương trình giáo dục liêm chính bao gồm giáo dục nhận thức, giá trị, thái độ của cá nhân về liêm chính và đặc biệt là các tình huống liêm chính trong thực tiễn (OECD, 2018). Các nội dung giáo dục liêm chính có thể được xây dựng và truyền tải theo dạng tích hợp trong chương trình học chính thức ở các cấp học, bồi dưỡng từ các đơn vị như doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước, và nhà trường. Tham gia giáo dục liêm chính là một yếu tố quan trọng trong xây dựng liêm chính của cá nhân (OECD, 2018; Transparency International, 2009).
Đo lường liêm chính của cá nhân là khá phức tạp bởi liêm chính được hiểu khác nhau ở các lĩnh vực khoa học khác nhau. Cox & cộng sự (2017) tiếp cận liêm chính ở góc độ đạo đức thì đo liêm chính theo bốn khía cạnh: nhạy cảm đạo đức, lý do và phán xét đạo đức, hình thành bản sắc, và thực thi đạo đức. Liêm chính còn được đo lường thông qua giá trị luân lý, tâm lý, thái độ, ý định hành vi liêm chính (Cox & cộng sự, 2017). Trong các nghiên cứu về liêm chính, Transparency International (2009) sử dụng thang đo về liêm chính
thông qua nhận thức của cá nhân về giá trị, thái độ, ý định hành vi và thực hành liêm chính. Cách đo lường này khá gần gũi với những nghiên cứu liên quan tới hành vi của cá nhân trong những quan hệ kinh tế.
Hối lộ là gì?
Đưa hối lộ là một hình thức của tham nhũng, phản ánh việc đưa, nhận tiền hay hiện vật nhằm tác động tới hành động hoặc quyết định của công chức (United Nations, 2004). Nghiên cứu về tham nhũng/hối lộ được đề cập ở cấp độ khác nhau. Nghiên cứu ở cấp độ quốc gia tập trung tìm hiểu tác động của tham nhũng tới các biến kinh tế như: tăng trưởng (Le & Do, 2021; Mauro, 1995), phát triển (Gray & Kaufmann, 1998), đầu tư, năng suất lao động (Campos & cộng sự, 1999; Le & cộng sự, 2021; Mauro, 1995). Nghiên cứu về tham nhũng từ phía doanh nghiệp tập trung luận giải tại sao doanh nghiệp lại gắn với tham nhũng. Nghiên cứu ở cấp độ cá nhân giải thích tại sao cá nhân lại đưa hối lộ. Chẳng hạn, việc đưa hối lộ của cá nhân là do địa vị kinh tế xã hội (Lê Quang Cảnh, 2018; Nguyen & Le, 2021) hoặc do việc kiểm soát và giám sát tham nhũng bị làm ngơ (Sundstrom, 2019).
Tham nhũng được luận giải theo bốn nhóm lý thuyết.
Thứ nhất, tham nhũng như là một hành động hợp lý. Dựa trên tính toán lợi ích và chi phí của tham nhũng, các tổ chức và cá nhân thấy có lợi thì họ sẽ thực hiện hành vi tham nhũng. Đây là nội dung nghiên cứu về tham nhũng khá phổ biến trong học thuật và quản lý thực tiễn. Thứ hai, tham nhũng là một hành vi thể chế bởi thể chế có thể tạo điều kiện cho tham nhũng xảy ra. Các nghiên cứu thuộc nhóm này sử dụng lý thuyết thể chế mới, coi tham nhũng là kết quả của những thực hành thể chế bởi thể chế đó quyết định hành vi tham nhũng (Greenwood & cộng sự, 2017). Thứ ba, tham nhũng được luận giải như chuẩn mực văn hóa. Văn hóa có thể gắn với quốc gia, cộng đồng hay tổ chức và nó cản trở hoặc nuôi dưỡng tham nhũng. Chẳng hạn, văn hóa Guanxi ở Trung Quốc là một dạng quản trị phi chính thức, chi phối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Văn hóa tặng quà ở Phương đông là một hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, đối với phương Tây, các hoạt động theo kiểu Guanxi hay tặng quà được coi là những hình thức của tham nhũng và tạo ra chi phí xã hội (Mauro, 1995). Thứ tư, tham nhũng là thất bại đạo đức. Khi phải đối mặt với các tình huống khó xử về mặt đạo đức, cá nhân có thể thực hiện hành vi thiếu liêm chính hoặc tham nhũng cho dù họ biết rõ làm như vậy là sai trái (ví dụ đưa hối lộ để được cấp cứu y tế kịp thời cho người thân). Theo Castro & cộng sự (2020), đạo đức liên quan tới đúng và sai, bổn phận và trách nhiệm, nguyên tắc và giá trị đạo đức, tư cách đạo đức và điều này gắn chặt với giá trị của liêm chính cũng như hành vi liêm chính.
Tóm lại, giải thích việc đưa hối lộ của cá nhân thường gắn với địa vị xã hội, văn hóa và chuẩn mực đạo đức. Những điều này lại gắn chặt với liêm chính bởi hành vi theo chuẩn văn hóa và đạo đức có khi lại vi phạm các giá trị của liêm chính và thúc đẩy hành vi tham nhũng.
Giáo dục liêm chính và đưa hối lộ
Nhận thức đầy đủ về liêm chính giúp cá nhân hành động một cách trung thực, minh bạch và có trách nhiệm. Các nghiên cứu về liêm chính đều khẳng định liêm chính có thể hình thành từ giáo dục (Cox & cộng sự, 2017; OECD, 2018; Transparency International, 2009). Giáo dục liêm chính giúp nâng cao nhận thức, hiểu được giá trị liêm chính. Nếu giáo dục liêm chính dừng lại ở việc giới thiệu và nâng cao nhận thức của cá nhân về liêm chính thì chỉ giúp hiểu về liêm chính. Tuy nhiên, giữa hiểu/nhận thức và hành vi liêm chính (ví dụ như thực hiện không hối lộ, không tham gia hành vi tham nhũng) lại có khoảng cách. Những tình huống tiến thoái lưỡng nan giữa giá trị đạo đức/văn hóa và liêm chính có thể dẫn tới cá nhân phải lựa chọn thỏa mãn giá trị đạo đức hoặc chuẩn mực văn hóa mà vi phạm liêm chính. Như vậy, giáo dục về liêm chính ở mức độ nhận thức chưa chắc đã làm giảm hành vi vi phạm liêm chính hay tham nhũng.
Ở chiều ngược lại, nâng cao giá trị liêm chính luôn được coi là một công cụ quan trọng để giảm tham nhũng (Pulay, 2014). Khi giá trị liêm chính được nhận thức, áp dụng, và chuyển hóa thành hành vi liêm chính thì hoàn toàn không trùng lặp với thẩm quyền của hoạt động quản lý. Do đó, liêm chính giúp cá nhân và tổ chức giảm hành động tham nhũng (Masyhudi, 2019).
Tổng quan nghiên cứu luận giải tham nhũng từ khía cạnh giáo dục và nhận thức liêm chính là khó tìm trong các nghiên cứu trước, đặc biệt là cho đối tượng thanh niên. Kết quả tổng quan cho thấy có sự không nhất quán giữa vai trò của giáo dục và nhận thức liêm chính với tham nhũng. Đây là vấn đề nghiên cứu cần tiếp tục được làm rõ nhằm phục vụ tốt hơn cho giáo dục liêm chính để hạn chế và phòng ngừa tham nhũng, cũng như có chính sách phòng chống tham nhũng phù hợp với đối tượng thanh niên.
Phòng chống tham nhũng là yếu tố quan trọng xây dựng một thể chế thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo phát triển bền vững. Liêm chính trong thanh niên là cần thiết để thúc đẩy thể chế không có hoặc ít tham nhũng hoặc không chấp nhận tham nhũng trong tương lai. Nâng cao thực hành hành vi liêm chính là nhiệm vụ đặt ra cho thanh niên.
Nghiên cứu đã có những kết quả quan trọng bao gồm: (i) Thanh niên tham gia các chương trình “giáo dục liêm chính” gắn với xác suất đưa hối lộ cao hơn; (ii) Thanh niên có nhận thức tốt hơn về liêm chính có xác suất đưa hối lộ cao hơn, nhưng thanh niên có ý định hành vi liêm chính có xác suất đưa hối lộ thấp hơn; (iii) Địa phương kiểm soát tham nhũng tốt hơn làm giảm tác động của giáo dục liêm chính tới việc đưa hối lộ của thanh niên. Kết quả này cho thấy có khoảng cách từ chương trình giáo dục liêm chính, nhận thức liêm chính tới hành vi tham nhũng của thanh niên. Kết quả ước lượng thực nghiệm này mang lại một số gợi ý cho việc thực hiện giáo dục liêm chính trong thanh niên để hướng tới giảm tham nhũng trong bối cảnh Việt Nam.
-
- Thứ nhất, giáo dục liêm chính cần đi vào thực chất, hướng tới nâng cao năng lực thực hiện hành vi liêm chính hơn là dừng lại ở việc nâng cao nhận thức. Những gợi ý từ nghiên cứu cho thấy, chương trình giáo dục liêm chính nên cung cấp các tình huống thực tiễn, kể cả các tình huống đạo đức và văn hóa và ở đó thực hiện liêm chính có thể dẫn tới vi phạm giá trị đạo đức và văn hóa để người học lựa chọn. Đồng thời, các chương trình nên hướng tới cung cấp giải pháp phù hợp (hoặc chấp nhận được) cho các tình huống “tiến thoái lưỡng nan” đó.
- Thứ hai, giáo dục liêm chính tập trung vào nâng cao ý định hành vi liêm chính. Kết quả ước lượng cho thấy nếu nâng cao ý định hành vi liêm chính giúp giảm xác suất tham gia hành vi tham nhũng. Điều này ngụ ý rằng, các chương trình giáo dục liêm chính cho thanh niên nên được thiết kế với các tình huống thúc đẩy hành vi liêm chính hơn là nâng cao nhận thức liêm chính.
- Thứ ba, các địa phương cần nỗ lực nâng cao chỉ số kiểm soát tham nhũng. Khi chỉ số kiểm soát tham nhũng được nâng cao, một mặt giúp kiểm soát hành vi tham nhũng, nhưng mặt khác giúp phát huy vai trò của giáo dục liêm chính trong việc hạn chế xác suất đưa hối lộ của thanh niên.
Nội dung đề xuất:
https://seotravel.net/vai-tro-cua-chinh-phu-dien-tu-de-thuc-day-hoat-dong-khoi-nghiep-o-mot-quoc-gia/
Bài cùng danh mục:
Vai trò môi trường tự chủ và động lực nội tại đến sự sáng tạo của người lao động
Mối quan hệ giữa sự đánh giá hàng ngoại và hành vi tiêu dùng hàng nội
Xử lý khiếu nại và niềm tin của khách hàng trong kinh doanh – by SeoTravel
Tiêu chí đánh giá lợi thế cạnh tranh trong sản xuất như thế nào?
Chất lượng dịch vụ trong giáo dục đại học đối với Sự hài lòng của sinh viên
Nhân tố tác động đến hành vi mua sắm hợp kênh Omnichannel
Bài viết nỗi bật
Tác động đại dịch COVID-19 đến tỷ suất sinh lợi cổ phiếu trên thị trường
Thị trường chứng khoán là phong vũ biểu đo lường sức khỏe tài chính của mỗi quốc gia, thường nhạy...
Vấn đề bảo hiểm khi du học tại Hoa Kỳ
Bảo hiểm khi du học tại Hoa Kỳ Thông tin du học ở Hoa Kỳ: Bảo hiểm Không ai muốn...
Yếu tố quy mô doanh nghiệp đối với tác động của đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp
Lý thuyết lợi thế kinh tế vì quy mô cho rằng doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí hơn...
Bản chất ý nghĩa của tiền lương tối thiểu
Bản chất ý nghĩa của tiền lương tối thiểu Một số khái niệmPhân loại tiền lương tối thiểuVai trò của...