Cách mạng công nghệ tác động lên hoạt động kinh doanh như thế nào


Xu hướng phát triển công nghệ thông tin thời gian qua

Ngành công nghệ thông tin là ngành có nhiều đóng góp to lớn trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin có nhiều hoạt động liên quan tới internet, công cụ phần mềm, tham gia vào chuyển đổi số trong doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đánh giá của Vietnamworks, thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2010 – 2020, xu hướng phát triển công nghệ thông tin thời gian qua tập trung nhiều vào mảng phát triển ứng dụng trên điện thoại, lập trình nhúng hệ thống và phần cứng (giai đoạn 2011 – 2012), dần chuyển sang khai thác dữ liệu lớn và các ngôn ngữ lập trình hiện đại (2013 – 2014) và tiếp tục phát triển cho tới ngày nay, tập trung vào các ngành công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ cao (internet vạn vật, blockchain, trí tuệ nhân tạo) và khoa học dữ liệu, điện toán đám mây và thương mại điện tử.

Hiện nay trên thế giới đã có một số nghiên cứu tác động phát triển công nghệ lên hiệu quả của doanh nghiệp, như nghiên cứu của Diaz–Chao & cộng sự (2021), Hao & Song (2016), Ma & cộng sự (2020), Martinez–Caro & cộng sự (2020). Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào được thực hiện trong nước, làm cho các doanh nghiệp và đặc biệt các nhà phân tích chính sách, nhà chính trị và chính phủ chưa có cái nhìn tổng thể về tác động này.

Ngoài ra, các nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho rằng lựa chọn cấu trúc vốn có tác động tới hiệu qua kinh doanh của doanh nghiệp, theo đánh giá của Ullah & cộng sự (2020) cho rằng cấu trúc vốn thiên về nợ có tác động tiêu cực lên hiệu quả kinh doanh tại doanh nghiệp Pakistan. Hoặc nghiên cứu tại quốc gia gần gũi với Việt Nam được Ramli & cộng sự (2018) thực hiện tại Indonesia và Malaysia đều cho rằng có tác động tích cực của cấu trúc vốn lên hiệu quả của doanh nghiệp tại Malaysia nhưng không có bất cứ mối quan hệ gì lên hiệu quả kinh doanh tại Indonesia. Điều đó khẳng định rằng, tùy từng trường hợp cụ thể có khả năng tồn tại tác động tích cực, tác động tiêu cực hoặc không có tác động gì giữa cấu trúc vốn và hiệu quả kinh doanh.

Các cuộc cách mạng trong cả quá khứ lẫn hiện đại luôn mang đến nhiều cơ hội và thách thức, làm thay đổi hành vi của con người và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phản ứng chính sách của chính phủ. Trước sự thay đổi to lớn đó, những tác động của cuộc cách mạng công nghệ luôn giành được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Nghiên cứu của Usai & cộng sự (2021) trong nghiên cứu tại các quốc gia trong cộng đồng chung châu Âu (EU), đây là nơi là và cái nôi của nhiều thay đổi trong cách mạng công nghệ trong quá khứ lẫn hiện đại, tác giả cho rằng các doanh nghiệp sử dụng nhiều hoạt động công nghệ, doanh nghiệp có khả năng trở thành nhà sáng tạo có tiềm năng. Thực hiện phân tích chuyên sâu, Usai & cộng sự (2021) cho rằng sử dụng công nghệ số có tác động rất thấp lên hoạt động đổi mới của doanh nghiệp, nhưng nếu doanh nghiệp đầu tư nhiều cho nghiên cứu và phát triển thì đó là động lực quan trọng để doanh nghiệp thực hiện đổi mới.

Trong một nghiên cứu khác thực hiện tại Tây Ban Nha nhằm đánh giá tác động cách mạng công nghệ 4.0, Diaz – Chao & cộng sự (2021) cho rằng cách mạng công nghệ được ví như hệ sinh thái đổi mới mang lại nhiều tác động lên hoạt động kinh tế. Sử dụng dữ liệu bảng gồm 1028 công ty Tây Ban Nha trong thời gian 2009 – 2016, nghiên cứu khẳng định rằng, quá trình sử dụng robot và ứng dụng công nghệ sản xuất linh hoạt có thể tạo ra tác động lên doanh số, xuất khẩu và năng suất lao động trong doanh nghiệp. Ngoài ra, mô hình kinh doanh phù hợp có thể tạo hiệu ứng thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp thông qua các hoạt động tổ hợp của cách mạng công nghệ, chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu phát triển, sự linh hoạt trong sản xuất và hiệu quả quản lý vốn nhân lực. Hơn nữa, hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp về lợi nhuận, nhưng lợi ích này sẽ mở rộng hơn nữa nếu quá trình đổi mới hoạt động công nghệ gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, có tác động rất tích cực lên hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp như trong nghiên cứu tại Trung Quốc (Ma & cộng sự, 2021).

Trong nghiên cứu của Martinez–Caro & cộng sự (2020) nhằm đánh giá tác động của công nghệ số lên hiệu quả của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, doanh nghiệp là những thành phần quan trọng trong nền kinh tế có khả năng nhận được lợi ích tích cực để cải thiện hoạt động kinh doanh. Martinez–Caro & cộng sự (2020) nhấn mạnh rằng quá trình số hóa trong kinh doanh có thể thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động có giá trị, tuy nhiên các công ty chỉ tận dụng được lợi thế này khi họ có sự kết hợp chuyển đổi số trong kinh doanh và văn hóa tổ chức kỹ thuật số, do vậy các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy được hiệu quả hoạt động. Hơn nữa, năng lực công nghệ là nhân tố quan trọng thúc đẩy chiến lược định hướng công nghệ trong doanh nghiệp, nhằm tạo ra hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp (Hao & Song, 2016). Điều đó có thể giải thích rằng, một doanh nghiệp có định hướng hoạt động công nghệ sẽ không thể thành công nếu doanh nghiệp không có đủ năng lực về công nghệ, nhờ có năng lực về công nghệ mà những định hướng về công nghệ của doanh nghiệp trở thành nhân tố quan trọng gia tăng lợi ích và hiệu quả của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp khác, trong bối cảnh cách mạng công nghệ, doanh nghiệp có khả năng công nghệ và khả năng học hỏi công nghệ của doanh nghiệp có khả năng cải thiện hiệu quả kinh doanh (Salisu & Abu Bakar, 2020).

Trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp, ngoài tác động của công nghệ, thì quá trình quản trị từ bên trong doanh nghiệp cũng là nhân tố quan trọng quyết định đến hiệu quả và lợi nhuận. Trong đó có thể kể đến lựa chọn cấu trúc vốn hợp lý, có thể có mang lại cho doanh nghiệp lợi nhuận tối ưu. Trong nghiên cứu của Ullah & cộng sự (2020) thực hiện tại 90 doanh nghiệp ngành dệt may tại Pakistan trong giai đoạn 2008 đến 2017 và cho rằng cấu trúc vốn thiên về nợ và quy mô của doanh nghiệp có tác động tiêu cực đối với hiệu quả doanh nghiệp, khẳng định rằng một doanh nghiệp sử dụng cấu trúc vốn thiên về nợ và một doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, Ullah & cộng sự (2020) cũng cho rằng qua lý thuyết đại diện, nhân tố tổng nợ trên tổng tài sản không có tác động lên lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tại Pakistan cần nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp thông qua tạo áp lực lên nhà quản lý, tăng sở hữu cổ phiếu cho nhà quản lý, đồng thời giảm tỷ lệ vay nợ quá mức có thể dẫn tới kiệt quệ tài chính để cải thiện chất lượng hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, đối với từng quốc gia khác nhau, tác động của cấu trúc vốn lên hiệu quả doanh nghiệp cũng khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng nước và tình hình hoạt động của doanh nghiệp tại nước đó. Trong nghiên cứu của Ramli & cộng sự (2018) tại Indonesia và Malaysia, kết quả có tác động tích cực của cấu trúc vốn lên hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp Malaysia, nhưng không có tác động gì tại Indonesia. Điều đó giải thích vì sao các doanh nghiệp Malaysia thường tìm kiếm các nguồn tài trợ bên ngoài hơn là tìm kiếm các nguồn tài trợ từ cổ đông trong cấu trúc vốn. Ramli & cộng sự (2018) cũng cho rằng cấu trúc tài sản, cơ hội tăng trưởng, lợi ích tấm chắn thuế và lãi suất có tác động tương tác với cấu trúc vốn và ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính doanh nghiệp, điều đó cho thấy các nhân tố trong doanh nghiệp có nhiều mối liên quan với nhau tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động. Đặc biệt trong các doanh nghiệp lớn, thường có xu thế sử dụng sử dụng đòn bẩy cao hơn doanh nghiệp nhỏ, sử dụng các nguồn tài trợ nợ có kỳ hạn dài hơn, nhưng điều đó làm gia tăng đòn bẩy và khả năng vỡ nợ do những trục trặc có thể phát sinh trong tương lai (Jungherr & Schott, 2021).

Các nghiên cứu trong nước hiện chưa có nghiên cứu tương tự nhằm đánh giá tác động của phát triển công nghệ lên hiệu quả kinh doanh, nhưng lại có nhiều nghiên cứu đánh giá mối quan hệ cấu trúc vốn và hiệu quả kinh doanh, tiêu biểu như nghiên cứu của Đỗ Phương Thảo & Đàm Thị Thanh Huyền (2019). Theo tác giả, cấu trúc vốn thiên về nợ vay có tác động ngược chiều lên hiệu quả kinh doanh của 31 doanh nghiệp ngành dầu khí trong thời gian 2012 – 2018, do vậy tác giả cho rằng doanh nghiệp cần gia tăng vốn chủ sở hữu, giảm các khoản nợ phải trả và đổi mới hoạt động để cải thiện hiệu quả hoạt động. Trong nghiên cứu khác trong ngành năng lượng, Trần Trọng Huy & Nguyễn Thị Ngọc Hân (2020) cũng tìm ra bằng chứng về tác động tiêu cực của cấu trúc vốn thiên về nợ vay và hiệu quả kinh doanh. Đồng thời tác giả cũng khẳng định, doanh nghiệp theo đuổi chính sách sử dụng nợ vay ngắn hạn hoặc dài hạn thì tác động tiêu cực này vẫn tiếp diễn, điều đó khẳng định các doanh nghiệp ngành năng lượng không thể tối ưu hóa hoạt động kinh doanh nếu quá thiên về tìm kiếm các nguồn tài trợ từ bên ngoài.

https://seotravel.net/su-dung-cac-cong-nghe-ky-thuat-so-la-nhu-cau-cap-thiet-trong-dich-vu-ban-le/

https://seotravel.net/moi-quan-he-cua-toan-cau-hoa-tai-chinh-toan-cau-hoa-thuong-mai-va-tang-truong/

4/5 - (1 vote)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses cookies. By browsing this website, you agree to our use of cookies. Visit our Privacy Policy