Vai trò môi trường tự chủ và động lực nội tại đến sự sáng tạo của người lao động

Sự sáng tạo là việc phát triển các ý tưởng, sản phẩm hoặc quy trình vừa mới vừa hữu ích. Trong nghiên cứu này, sự sáng tạo của người lao động gồm sự sáng tạo của cấp dưới và sự sáng tạo của lãnh đạo. Sự sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới của tổ chức, làm tăng hiệu quả hoạt động, giúp tổ chức tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt. Nhiều tác giả nổi tiếng đã nghiên cứu các tiền tố liên quan đến lãnh đạo tác động đến sự sáng tạo của cấp dưới như: lãnh đạo chuyển đổi, trao đổi giữa lãnh đạo và nhân viên, lãnh đạo giao dịch, lãnh đạo ủy quyền, lãnh đạo phục vụ.

Các hành vi của lãnh đạo sẽ ảnh hưởng đến hành vi của cấp dưới thông qua hai kênh chính là ảnh hưởng đến động lực làm việc của cấp dưới và phát triển kỹ năng của cấp dưới. Tuy nhiên, vai trò trung gian của kỹ năng sáng tạo nhận được ít sự quan tâm khi nghiên cứu hành vi của lãnh đạo và sự sáng tạo của cấp dưới.

MÔ HÌNH SỰ SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Sự sáng tạo của lãnh đạo

Kỹ năng sáng tạo (Creativity-relevant skills) bao gồm khả năng tư duy hội tụ và khả năng tư duy phân kỳ. Khả năng tư duy hội tụ là việc một người có thể phân tích các khía cạnh khác nhau của các ý tưởng và đưa ra đánh giá về chúng. Khả năng tư duy phân kỳ là việc một cá nhân có thể đưa ra quan điểm trái ngược với quan điểm nào đó hoặc tạo ra một giải pháp trái ngược so với giải pháp hiện có. Nghiên cứu này nhóm tác giả đề xuất sự sáng tạo của lãnh đạo tác động tích cực đến kỹ năng sáng tạo của cấp dưới vì các lý do sau. Một là, cấp dưới sẽ học theo những hành vi của lãnh đạo. Khi lãnh đạo tìm kiếm và tạo ra các ý tưởng mới đó chính là một trong các cách tốt nhất giúp cấp dưới học tập nâng cao kỹ năng sáng tạo của họ. Thứ hai, các lãnh đạo có khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, họ sẽ có khả năng đưa ra những phản hồi tích cực và mang tính chất xây dựng giúp cấp dưới nâng cao năng lực sáng tạo. Cuối cùng, lãnh đạo với kỹ năng sáng tạo cao là rất quan trọng đối với sự sáng tạo của cấp dưới vì họ tạo điều kiện để cấp dưới nâng cao khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Sự sáng tạo của lãnh đạo ảnh hưởng trực tiếp dương đến kỹ năng sáng tạo của cấp dưới.

Lý thuyết các thành phần của sự sáng tạo cho rằng kỹ năng sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng thúc đẩy sự sáng tạo của cá nhân. Kỹ năng sáng tạo bao gồm các khả năng cần thiết để tạo ra các ý tưởng mới và hữu ích. Các kỹ năng này giúp quyết định các cách tiếp cận khác nhau và sự mềm dẻo trong cách suy nghĩ để giải quyết vấn đề cũng như cung cấp các phương pháp đặc biệt để tìm kiếm và theo đuổi các giải pháp mới. Kỹ năng sáng tạo giúp cấp dưới dễ dàng tiếp cận cách suy nghĩ mới, điều này tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sáng tạo. Hơn nữa, căn cứ vào mô hình AMO thì kỹ năng sáng tạo thuộc nhóm khả năng, hay nói cách khác kỹ năng sáng tạo của cấp dưới ảnh hưởng trực tiếp dương đến sự sáng tạo của họ.

Dựa trên lập luận của giả thuyết trên cũng như lý thuyết các thành phần của sự sáng tạo cho thấy hành vi của lãnh đạo sẽ ảnh hưởng đến kỹ năng sáng tạo của cấp dưới và từ đó ảnh hưởng đến sự sáng tạo của lãnh đạo ảnh hưởng gián tiếp dương đến sự sáng tạo của cấp dưới thông qua kỹ năng sáng tạo của cấp dưới.

Động lực nội tại

Động lực nội tại (Intrinsic motivation) là mong muốn làm việc của một người vì họ đam mê, thích thú công việc hoặc bị cuốn vào công việc. Tác giả khác định nghĩa động lực nội tại là mức độ yêu thích công việc hay việc một người làm việc nào đó vì chính lợi ích mà công việc đó mang lại cho họ. Nhóm tác giả đề xuất sự sáng tạo của lãnh đạo ảnh hưởng tích cực đến động lực nội tại của cấp dưới bởi các lý do. Hành vi sáng tạo của lãnh đạo sẽ làm cho cấp dưới yêu thích công việc sáng tạo cũng như làm cho cấp dưới đam mê sáng tạo hơn. Sự sáng tạo của lãnh đạo sẽ làm cho cấp dưới thích thú và thúc đẩy họ tham gia vào quá trình sáng tạo. Lãnh đạo nào có khả năng sáng tạo cao, họ sẽ biết cách động viên cấp dưới và tạo điều kiện thuận lợi để cấp dưới sáng tạo. Vì thế sự sáng tạo của lãnh đạo có khả năng ảnh hưởng trực tiếp dương đến động lực nội tại của cấp dưới.

Nâng cao động lực nội tại của cấp dưới trong quá trình sáng tạo sẽ dẫn đến mức độ sáng tạo của họ sẽ tăng theo (Kong & cộng sự, 2017). Theo lý thuyết các thành phần của sự sáng tạo thì động lực nội tại là tiền tố quan trọng của sự sáng tạo. Động lực nội tại thúc đẩy cấp dưới nỗ lực hơn trong quá trình sáng tạo. Cấp dưới có động lực và đam mê sáng tạo sẽ tò mò, tìm tòi, kiên trì theo đuổi các ý tưởng mới, thậm chí chấp nhận rủi ro để tạo ra các ý tưởng mới. Cấp dưới với động lực nội tại cao sẽ linh hoạt hơn trong tư duy sáng tạo và kiên trì hơn để tìm kiếm các giải pháp sáng tạo. Động lực nội tại thuộc nhóm động lực làm việc – một nhóm quan trọng ảnh hưởng đến sự sáng tạo của cá nhân như mô hình AMO đã đề cập. Do đó động lực nội tại của cấp dưới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp dương đến sự sáng tạo của họ.

Như vậy sự sáng tạo của lãnh đạo ảnh hưởng gián tiếp đến sự sáng tạo của cấp dưới thông qua động lực nội tại của cấp dưới.

Môi trường tự chủ (Autonomy climate)

Môi trường tự chủ là việc thiết kế công việc cho phép cấp dưới có một phạm vi rộng để làm việc. Hay nói cách khác, trong môi trường tự chủ cấp dưới làm việc ít hoặc không bị ràng buộc bởi các luật lệ hay hệ thống làm việc cố định.

Môi trường tự chủ củng cố tác động dương của kỹ năng sáng tạo và động lực nội tại của cấp dưới lên sự sáng tạo của họ vì các lý do sau. Thứ nhất, mô hình AMO khẳng định rằng, sự tương tác giữa cơ hội làm việc với khả năng của cá nhân hoặc với động lực làm việc sẽ cho kết quả làm việc tốt hơn. Trong nghiên cứu này, sự tương tác giữa môi trường tự chủ (cơ hội làm việc) với kỹ năng sáng tạo của cấp dưới (khả năng của cá nhân) để cho kết quả sáng tạo tốt hơn. Cũng như, sự tương tác giữa môi trường tự chủ (cơ hội làm việc) với động lực nội tại của cấp dưới (động lực làm việc) để nâng cao kết quả sáng tạo của họ.

Thứ hai, môi trường tự chủ tạo điều kiện thuận lợi cho cấp dưới sử dụng khả năng hiện có một cách hiệu quả để tạo ra các nhiều ý tưởng mới và hữu ý vì môi trường tự chủ cho phép cấp dưới tự do trong việc lựa chọn công việc để làm và tự do quyết định phương pháp để hoàn thành công việc. Hơn nữa, môi trường tự chủ cao khuyến khích cấp dưới sử dụng các kiến thức học được để nâng cao kết quả làm việc của họ. Khi môi trường tự chủ thấp, cấp dưới khó khăn trong việc sử dụng năng lực sáng tạo của họ để đưa ra các ý tưởng mới vì họ phải làm việc theo quy định và quy trình có sẵn.

Thứ ba, môi trường tự chủ cao làm cho cấp dưới đam mê hơn trong việc sáng tạo vì họ có nhiều cơ hội làm việc và giải quyết các vấn đề theo ý của họ. Môi trường tự chủ cao làm cho cấp dưới thêm động lực để sáng tạo ra các ý tưởng mới vì họ có quyền tự do trong việc quyết định những công việc sẽ tiến hành cũng như tự do chọn cách thức thực hiện và xử lý các vấn đề phát sinh.

Như vậy môi trường tự chủ điều tiết dương mối quan hệ giữa kỹ năng sáng tạo của cấp dưới và sự sáng tạo của họ.

Xem thêm:

Ảnh hưởng của đổi mới sáng tạo tới doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp

Ảnh hưởng của Hoạt động truyền thông xã hội và Năng lực Marketing

 

5/5 - (2 votes)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses cookies. By browsing this website, you agree to our use of cookies. Visit our Privacy Policy