Ý kiến kiểm toán và tác động tới giá cổ phiếu của các doanh nghiệp xây dựng

Báo cáo kiểm toán, giá cổ phiếu, ý kiến kiểm toán, Việt Nam

Một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt giữa các báo cáo kiểm toán của các doanh nghiệp chính là ý kiến của kiểm toán viên đưa ra dựa trên những bằng chứng đã thu thập được. Kiểm toán viên có thể phát hành ý kiến kiểm toán dưới dạng ý kiến chấp nhận toàn phần (trong trường hợp báo cáo tài chính của doanh nghiệp trung thực và hợp lý dựa trên các khía cạnh trọng yếu) hoặc ý kiến kiểm toán có điều chỉnh (được đưa ra trong trường hợp báo cáo tài chính có sai phạm trọng yếu hoặc kiểm toán viên bị giới hạn phạm vi kiểm toán và không thu thập được đầy đủ bằng chứng có liên quan tới vấn đề được xem là ảnh hưởng trọng yếu tới báo cáo tài chính).

Ý kiến kiểm toán, đặc biệt là loại ý kiến kiểm toán có điều chỉnh có ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp (Arens & cộng sự, 2016). Đặc biệt đối với các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, những thông tin tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán bởi các hãng kiểm toán được cho là hữu dụng khi nó tạo ra sự khác biệt trong việc đưa ra quyết định về đầu tư và ảnh hưởng tới giá cổ phiếu.

Một trong những nhân tố nhận được sự quan tâm đó là ảnh hưởng của ý kiến kiểm toán có điều chỉnh tới giá cổ phiếu. Tuy nhiên, các nghiên cứu đưa ra các kết luận không thống nhất về tác động của ý kiến kiểm toán có điều chỉnh tới giá cổ phiếu của các doanh nghiệp. Một số nghiên cứu (Anvarkhatibi & cộng sự, 2012; Tahinakis & cộng sự, 2010;) đã chỉ ra rằng không có mối quan hệ đáng kể giữa ý kiến kiểm toán và giá cổ phiếu. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác (Hoti & cộng sự, 2012; Rena & cộng sự, 2016;) lại cho rằng ý kiến kiểm toán (cụ thể là loại ý kiến kiểm toán có điều chỉnh) có ảnh hưởng đáng kể tới quyết định của nhà đầu tư thể hiện qua giá cổ phiếu của các doanh nghiệp. Chính vì thế, cần thiết phải có thêm các nghiên cứu về nội dung này để xác định được mức độ ảnh hưởng của ý kiến kiểm toán có điều chỉnh tới giá cổ phiếu của các doanh nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu tại Việt Nam trong ngành xây dựng và bất động sản. Lĩnh vực xây dựng và bất động sản luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Đây cũng là ngành đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa các ngành và nhiều lĩnh vực như ngân hàng, công nghiệp, từ đó nâng cao trình độ xã hội hóa trong sản xuất kinh doanh.

Trên thế giới, đã có nhiều học giả quan tâm và thực hiện nghiên cứu về chủ đề tác động của ý kiến kiểm toán có điều chỉnh tới giá cổ phiếu. Theo Al‐Thuneibat & cộng sự (2008) và Ianniello & Galloppo (2015), nghiên cứu về chủ đề này có thể được phân loại theo hai hướng chính:

Nghiên cứu thực nghiệm: hướng nghiên cứu này xem xét phản ứng của những người ra quyết định, chẳng hạn như cán bộ cho vay hay chuyên gia phân tích tài chính đối với sự thay đổi của các loại ý kiến kiểm toán theo từng năm.

Nghiên cứu dựa vào thị trường: hướng nghiên cứu này nhằm nắm bắt phản ứng của thị trường chứng khoán xung quanh việc công bố thông tin của báo cáo tài chính được kiểm toán.

Với hướng nghiên cứu đầu tiên – nghiên cứu thực nghiệm, Rena & cộng sự (2016) cho rằng phần lớn các nghiên cứu thực nghiệm kết luận rằng người sử dụng báo cáo tài chính không thật sự quan tâm hay tín nhiệm báo cáo kiểm toán hay những điều chỉnh nếu có của kiểm toán viên. Có rất ít các nghiên cứu đi theo hướng này, trong đó tác giả sẽ tập trung phân tích nghiên cứu của Firth (1980), Guiral & cộng sự (2007) và Muslih & Amin (2018) lần lượt tại thị trường Anh, Tây Ban Nha và Indonesia.

Ngược lại, với hướng nghiên cứu thứ hai – tức nghiên cứu dựa vào thị trường, các học giả thường đưa ra những bằng chứng cho thấy các báo cáo kiểm toán, chủ yếu với ý kiến không phải ý kiến chấp nhận toàn phần có liên quan đến quá trình ra quyết định sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính. Đồng thời, họ cũng chọn lợi nhuận bất thường tích lũy (cumulative average abnormal return – CAAR) để đo lường biến động của giá chứng khoán trong một khoảng thời gian ngắn quanh ngày công bố. Những nghiên cứu này sử dụng hệ đo lường này cho thấy tác động không thật sự rõ rệt của ý kiến kiểm toán có điều chỉnh đến sự biến động của giá cổ phiếu ở các thị trường mới nổi. Cụ thể, điều này đã được kiểm chứng bởi một số nghiên cứu tại Jordan, Iran, Sri Lanka, Indonesia hay Cộng hòa Bắc Macedonia (Al‐Thuneibat & cộng sự, 2008; Moradi & cộng sự, 2011; Anulasiri & cộng sự, 2015; Samudera, 2017; Dionisijev, 2021).

Chủ đề này cũng dần được quan tâm ở thị trường Châu Á. Bên cạnh một nước lớn như Trung Quốc, nghiên cứu tại Đài Loan đã được thực hiện bởi Hsu & cộng sự (2011) đưa ra mối tương quan ngược chiều giữa ý kiến kiểm toán ngoại trừ và giá cổ phiếu. Ngoài việc lấy thông tin từ báo cáo thường niên, nhóm tác giả cũng xem xét các báo cáo giữa kỳ của 106 công ty nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong giai đoạn từ năm 1999 đến 2007 và thấy rằng giá cổ phiếu có chiều hướng thay đổi tiêu cực sau 5 ngày từ ngày công bố báo cáo kiểm toán bởi luật lệ nghiêm ngặt tại nước này. Những công ty nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ có khả năng cao bị hủy niêm yết nếu báo cáo không được trình bày lại và xác nhận với ý kiến chấp nhận toàn phần sau đó. Bổ sung cho những lời giải thích này, Hsu & cộng sự (2011) cho rằng điều này có thể lý giải bởi khả năng tiếp cận thông tin từ trước của nhà đầu tư hoặc do sự rò rỉ thông tin nội bộ.

Yếu tố công ty kiểm toán Big 4 cũng được cân nhắc nhưng tác động lại không thật sự rõ rệt, trái ngược với dự đoán đưa ra ban đầu của nhóm tác giả. Al-Othman (2019) đã thực hiện nghiên cứu nhằm xác định mức độ và hình thức phản ứng của thị trường tài chính trên báo cáo kiểm toán bằng cách xác định tác động thay đổi của ý kiến kiểm toán viên đối với giá cổ phiếu của các công ty dịch vụ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của Jordan trong giai đoạn 2010–2017. Kết quả cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về giá cổ phiếu sau khi thay đổi loại ý kiến kiểm toán từ dạng ý kiến chấp nhận toàn phần sang ý kiến kiểm toán có điều chỉnh.

Trong bối cảnh Châu Âu, nghiên cứu của Ianniello & Galloppo (2015) với bốn loại ý kiến kiểm toán tại nước Ý cho ra kết quả tương tự với Soltani (2000) nhưng khác với Martinez & cộng sự (2004). Với ý kiến chấp nhận toàn phần có vấn đề nhấn mạnh, những vấn đề này thường có nội dung liên quan đến sự không chắc chắn trong khả năng hoạt động liên tục hay khó khăn về tài chính, đặc biệt là lợi nhuận bất thường xảy ra xung quanh ngày công bố báo cáo kiểm toán. Nghiên cứu cũng đã cố gắng hạn chế các tác động xảy ra đồng thời đối với giá cổ phiếu bằng việc sử dụng phương pháp “short window event”. Ngoài ra, các phát hiện của Ianniello & Galloppo (2015) cho thấy mức độ phù hợp của các báo cáo kiểm toán, phân biệt các tác động khác nhau dựa trên các loại ý kiến kiểm toán được đưa ra trong một khu vực pháp lý cụ thể.

Trong phạm vi Đông Nam Á, Indonesia cũng có hai nghiên cứu được thực hiện bởi Samudera (2017) và Muslih & Amin (2018) với cách tiếp cận khác nhau nhưng kết quả đều cho thấy ý kiến kiểm toán không có tác động đáng kể đến sự thay đổi của giá cổ phiếu. Thứ nhất, hai nghiên cứu có cỡ mẫu, mô hình và thời gian nghiên cứu khác nhau. Nghiên cứu của Samudera (2017) được thực hiện từ năm 2010 đến năm 2015 với cỡ mẫu 56 công ty và tiếp nối những tinh túy của các nghiên cứu trước đó (Firth, 1980; Chen & cộng sự, 2000; Ianniello & Galloppo 2015). Tuy nhiên, một năm sau đó, nghiên cứu của Muslih & Amin (2018) được triển khai có phần thô sơ hơn với 18 công ty với chuỗi thời gian 7 năm nhưng chỉ có khoảng 5 năm có giá trị. Thứ hai, cả hai nghiên cứu đều chỉ ra báo cáo kiểm toán đã không được sử dụng tối ưu bởi các nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, cũng tại Indonesia, nghiên cứu của Wijaya (2021) đã chỉ ra rằng ý kiến kiểm toán có tác động tới thị trường thông qua giá cổ phiếu.

Xem xét tác động của ý kiến kiểm toán có điều chỉnh tới giá cổ phiếu của các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam nên được nghiên cứu để có được bằng chứng thực chứng đến từ một nền kinh tế mới nổi.

Bài viết này xem xét phản ứng của thị trường đối với ý kiến kiểm toán điều chỉnh xét trong nhóm ngành xây dựng và bất động sản trong khoảng thời gian 05 năm từ năm 2015 đến năm 2019 và cung cấp bằng chứng về ảnh hưởng của ý kiến kiểm toán tới quyết định của các nhà đầu tư. Sau khi kiểm soát sự ảnh hưởng của việc thay đổi trong quá trình thu nhập dữ liệu và các thông báo đồng thời khác, nghiên cứu đã chỉ ra rằng: (i) Ý kiến kiểm toán có điều chỉnh có tương quan âm với lợi nhuận bất thường tích lũy, và (ii) các nhà đầu tư không phản ứng tiêu cực với ý kiến kiểm toán có điều chỉnh cho tới năm thứ ba họ tiếp nhận thông tin này. Dựa vào những số liệu trọng yếu từ kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra kết luận rằng các nhà đầu tư ở thị trường Việt Nam có bị tác động bởi ý kiến kiểm toán có điều chỉnh trong quyết định đầu tư của họ, điều này cũng chứng tỏ báo cáo kiểm toán của kiểm toán viên độc lập nắm vai trò quan trọng như một nguồn thông tin đáng tin cậy ở thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ kết quả nghiên cứu của bài báo, tác giả kiến nghị rằng các nhà đầu tư và những người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp nên quan tâm tới ý kiến kiểm toán của kiểm toán viên, cần nâng cao cảnh giác với những ý kiến kiểm toán có điều chỉnh, đặc biệt là khi loại ý kiến này được lặp đi lặp lại trong các năm tiếp theo. Từ đó, giúp họ có thể đưa ra những quyết định kinh doanh phù hợp nhằm hạn chế các rủi ro có thể mang lại do việc sử dụng thông tin không phù hợp.

https://seotravel.net/tac-dong-cua-hieu-ung-lay-lan-bien-dong-rui-ro-giua-cac-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-va-the-gioi/

https://seotravel.net/cach-cong-nghe-tai-chinh-cho-phep-cac-ngan-hang-tu-duy-vuot-troi/

5/5 - (3 votes)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses cookies. By browsing this website, you agree to our use of cookies. Visit our Privacy Policy