Bài viết tìm hiểu vai trò của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp tại Việt Nam
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là một trong những vấn đề được quan tâm rất nhiều bởi không chỉ các nhà điều hành doanh nghiệp, giới khoa học mà còn từ phía chính phủ và các bên liên quan (stakeholder). Tuy thế, cho đến nay không có sự đồng thuận về khái niệm CSR. Những lý thuyết đầu tiên về trách nhiệm cộng đồng thường khá hạn chế với sự bó hẹp về phạm vi. Theo đó, CSR chỉ gắn liền với các hoạt động thiện nguyện và vượt ra ngoài yêu cầu pháp lý đối với doanh nghiệp (Friedman, 1970; Singh & Misra, 2021). Sau này, CSR được mở rộng hơn, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển với việc tuân thủ luật pháp yếu, CSR được hiểu không chỉ đơn thuần là các hoạt động vượt quá yêu cầu quy định pháp luật mà còn bao gồm những hoạt động mang tính tuân thủ về các khía cạnh như trách nhiệm môi trường, trách nhiệm cộng đồng, quan hệ với nhân viên hoặc trách nhiệm với nhà nước (Newman & cộng sự, 2018, 2020).
Trong hơn bốn thập kỷ qua, các học giả đặc biệt quan tâm nghiên cứu hiệu quả kinh tế trực tiếp mà các doanh nghiệp thu được từ các hoạt động trách nhiệm của doanh nghiệp (Brooks & Oikonomou, 2018; Poursoleyman & cộng sự, 2022). Các lý thuyết khác nhau, cụ thể là lý thuyết về chi phí người đại diện, lý thuyết về các bên liên quan tới doanh nghiệp, và lý thuyết về nguồn lực của doanh nghiệp đã được sử dụng để giải thích về vai trò của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đối với hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Luồng quan điểm thứ nhất, hay lý thuyết chi phí người đại diện (Agency cost theory), khẳng định rằng các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội không đem lại bất kỳ lợi nhuận nào cho doanh nghiệp trong khi bản thân nó rất tốn kém. Việc theo đuổi CSR gia tăng chi phí và gây bất lợi trong cạnh tranh so với các đối thủ kém trách nhiệm khác (Aupperle & cộng sự, 1985; Singh & Misra, 2021). Các nhà quản lý có thể theo đuổi cơ hội CSR để thúc đẩy lợi ích cá nhân thay vì lợi ích của doanh nghiệp, điều này có thể gây bất lợi cho các cổ đông (Brammer & Millington, 2008; Flammer, 2015). Vì vậy các doanh nghiệp không kỳ vọng bất kỳ lợi nhuận trực tiếp nào từ các hoạt động trách nhiệm xã hội.
Trong khi đó, lý thuyết dựa vào nguồn lực (resource-based theory) cho rằng việc thực hiện trách nhiệm xã hội có lợi hơn cho doanh nghiệp nhờ các yếu tố bên ngoài như tính hợp lý hay danh tiếng, cũng như nhờ các yếu tố thuộc về nội bộ doanh nghiệp như nguồn nhân lực. Điều này là do CSR giúp cải thiện sự hài lòng của khách hàng, tăng cường sự tận tâm của nhân viên và làm hài lòng các nhà đầu tư của doanh nghiệp từ đó mang lại sự tăng trưởng thị trường, năng suất, hiệu quả kinh doanh và đổi mới của doanh nghiệp (Freeman, 1984; Singh & Misra, 2021). Lý thuyết các bên liên quan cho rằng các bên liên quan khác nhau (ví dụ: cổ đông, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, môi trường, cộng đồng) đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, định hướng hoạt động của doanh nghiệp và doanh nghiệp cần tập trung vào các bên liên quan này. Mối quan hệ này được củng cố và mở rộng thông qua các hoạt động CSR và cuối cùng đóng góp vào giá trị cổ đông (Edmans, 2011; Deng & cộng sự, 2013). CSR giúp cho các bên liên quan giải quyết được các xung đột và nâng cao uy tín của doanh nghiệp đó. Hơn nữa, việc tạo uy tín với các bên liên quan của doanh nghiệp CSR còn được coi như một chính sách bảo hiểm trong các cuộc khủng hoảng hoặc các vụ bê bối lớn do sức ảnh hưởng về danh tiếng của doanh nghiệp (Lins & cộng sự, 2017; Janney & Gove, 2011).
Trên cơ sở lý thuyết trên, một số các nghiên cứu thực nghiệm chứng tỏ mối quan hệ ngược chiều giữa CSR và hiệu quả doanh nghiệp như Bartlett & Preston (2000), Bird & cộng sự (2007), Harjoto & Jo (2015), Lu & cộng sự (2022), và Wright & Ferris (1997). Trong khi đó, các bằng chứng về mối quan hệ tích cực lại chiếm ưu thế hơn. Tác động tích cực của CSR tới hiệu quả doanh nghiệp có thể qua một số kênh khác nhau. Trước tiên, hoạt động CSR nâng cao hiệu quả đầu tư do giảm sự bất đối xứng thông tin giữa người quản lý và cổ đông; và hoạt động CSR tạo ra các hợp đồng ngầm với những người được chịu ơn, mở rộng các bên liên quan. Hơn nữa, Gao & cộng sự (2014) cho rằng CSR làm hạn chế khả năng những người bên trong (nhà quản lý hoặc những cổ đông) có hành vi vụ lợi.
Theo đó, CSR là một chiến lược góp phần nâng cao sức mạnh định giá của doanh nghiệp trên thị trường nhờ các cải tiến về công nghệ xanh (Achi & cộng sự, 2022; Bagnoli & Watts, 2003). Trong bối cảnh cụ thể hơn tại Việt Nam, Malesky & cộng sự (2015) khẳng định rằng thực hiện các hoạt động CSR giúp doanh nghiệp hiểu được các quyết định của đối thủ và phản ứng xã hội, qua đó, nắm bắt tốt hơn cơ hội kinh doanh và xác định rủi ro tương ứng với chiến lược phát triển dài hạn. Tác giả cũng khẳng định việc tham gia các hoạt động CSR giúp doanh nghiệp đưa ra được các quyết định đầu tư thông minh và cải thiện hiệu quả doanh nghiệp.
Tóm lại: Trên cơ sở tổng quan lý thuyết, các nghiên cứu thực nghiệm về ảnh hưởng trực tiếp của CSR tới hiệu quả tài chính đưa ra các kết quả nghiên cứu khác nhau phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp và bối cảnh nghiên cứu cụ thể. Theo đó, như tổng hợp của Waddock & Graves (1997) và bằng chứng thực nghiệm bởi Drempetic & cộng sự (2020), doanh nghiệp có quy mô và lợi nhuận tài chính lớn hơn có thể nhận được nhiều lợi thế từ hoạt động CSR. Hơn nữa, bối cảnh tại Việt Nam cũng chưa nhận được sự quan tâm của các nghiên cứu về tác động của CSR tới hiệu quả tài chính doanh nghiệp (Newman & cộng sự, 2018; 2020).
Tại Việt Nam, mặc dù CSR mới chỉ xuất hiện kể từ thời kỳ “Đổi mới” kèm theo với sự xuất hiện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, đã có không ít doanh nghiệp thực hiện CSR và bước đầu đạt được những kết quả. Khởi đầu cho xu hướng áp dụng CSR tại Việt Nam là từ khi các nhà máy sản xuất giày và ngành công nghiệp dệt may bắt đầu phải tuân thủ các quy tắc ứng xử CSR do áp lực từ các tập đoàn đa quốc gia ở các nước phát triển (các nước nhập khẩu) (Newman & cộng sự, 2020). Sau đó, Chính phủ Việt Nam bắt đầu thúc đẩy các công ty để cải thiện điều kiện lao động và bảo vệ môi trường, như là một phần của Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam1 và CSR đã được đưa vào Luật Doanh Nghiệp năm 2014. Kể từ đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã áp dụng mô hình CSR vào hoạt động kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ để đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định như quyền lao động và chất lượng môi trường – những yêu cầu vốn đã được quy định trong các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên (Newman & cộng sự, 2018). Những quy định này dần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành CSR trong lĩnh vực kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cũng muốn cải thiện danh tiếng để có thể tiếp cận dễ dàng thị trường quốc tế cũng như để thu hút đội ngũ nhân lực tâm huyết và có trình độ (Newman & cộng sự, 2018; 2020).
Tuy thế, cam kết của nhiều công ty Việt Nam trong nước đối với CSR vẫn còn tự phát và mang tính hình thức (Nguyen & cộng sự, 2018). Do không hiểu được lợi ích và cơ hội mà CSR có thể mang lại cho hoạt động kinh doanh nên các doanh nghiệp này thường tập trung vào mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận thay vì quan tâm đến trách nhiệm xã hội (Thanh & Podruzsik, 2018). Newman & cộng sự (2020) đã có nghiên cứu nêu lên tác động của CSR đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam trên phạm vi quốc gia, theo đó Ying & cộng sự (2022) mô tả cách thức CSR tại các quốc gia được thúc đẩy bởi các bên liên quan và cách doanh nghiệp thực hiện các cam kết CSR trước các cú sốc trong nền kinh tế Giacomini & cộng sự (2021).
Phan Thị Thu Hiền (2019) có một số phát hiện về tác động tích cực của hoạt động CSR đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp theo phân tích tại một số ngành cụ thể ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung các nghiên cứu chỉ ra một mối quan hệ không rõ ràng và nhất quán giữa CSR và hiệu quả tài chính; đồng thời nghiên cứu ở cấp độ quốc tế trong hoạt động CSR tại Việt Nam còn nhiều thiếu xót. Các phát hiện không nhất quán về vấn đề này trong các công trình trước đó có thể là do việc sử dụng phương pháp hồi quy cách tiếp cận trung bình, và vì vậy không cung cấp được một bức tranh chi tiết về mối quan hệ.
Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu mảng về hơn 4500 công ty sản xuất Việt Nam trong giai đoạn 2011-2014 với hồi quy phân vị mảng để xem xét ảnh hưởng của CSR đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Hồi quy phân vị mảng thay vì cách tiếp cận trung bình cho phép xem xét ảnh hưởng của CSR tới hiệu quả doanh nghiệp tại các điểm khác nhau của phân phối biến phụ thuộc. Việc phân tách hoạt động CSR theo các loại khác nhau như (i) trách nhiệm cộng đồng và quản lý (CSRac) – đo lường bằng việc doanh nghiệp có tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ di sản văn hóa địa phương – và (ii) trách nhiệm xã hội mang tính tuân thủ (CSRb) – đo bằng việc tuân thủ của doanh nghiệp đối với người lao động như trả bảo hiểm xã hội, y tế và tuân thủ nghĩa vụ đối với người lao động và nhà nước – đưa ra bức tranh đầy đủ hơn về hoạt động CSR tại Việt Nam tới hiệu quả tài chính doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng CSR mang lại hiệu quả tài chính cho doanh nghiệp có lợi nhuận cao thay vì các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp. Kết quả có tiềm năng giải thích cho tác động không rõ ràng của CSR đến hiệu quả tài chính trong tổng quan tài liệu.
Bài cùng danh mục:
Vai trò môi trường tự chủ và động lực nội tại đến sự sáng tạo của người lao động
Mối quan hệ giữa sự đánh giá hàng ngoại và hành vi tiêu dùng hàng nội
Xử lý khiếu nại và niềm tin của khách hàng trong kinh doanh – by SeoTravel
Tiêu chí đánh giá lợi thế cạnh tranh trong sản xuất như thế nào?
Chất lượng dịch vụ trong giáo dục đại học đối với Sự hài lòng của sinh viên
Nhân tố tác động đến hành vi mua sắm hợp kênh Omnichannel
Bài viết nỗi bật
Tác động đại dịch COVID-19 đến tỷ suất sinh lợi cổ phiếu trên thị trường
Thị trường chứng khoán là phong vũ biểu đo lường sức khỏe tài chính của mỗi quốc gia, thường nhạy...
Vấn đề bảo hiểm khi du học tại Hoa Kỳ
Bảo hiểm khi du học tại Hoa Kỳ Thông tin du học ở Hoa Kỳ: Bảo hiểm Không ai muốn...
Yếu tố quy mô doanh nghiệp đối với tác động của đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp
Lý thuyết lợi thế kinh tế vì quy mô cho rằng doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí hơn...
Bản chất ý nghĩa của tiền lương tối thiểu
Bản chất ý nghĩa của tiền lương tối thiểu Một số khái niệmPhân loại tiền lương tối thiểuVai trò của...