Nhân tố ảnh hưởng ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM) trong kinh doanh

Bài viết xem xét nhân tố ảnh hưởng ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM) tại các doanh nghiệp kinh doanh tai Việt Nam.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ mới, các tiến bộ khoa học được xem là quan trọng trong mọi ngành, mọi lĩnh vực (Al-Rahmi & cộng sự, 2019). Để nâng cao chất lượng sản phẩm, các tổ chức cần không ngừng học hỏi và ứng dụng công nghệ mới hay cách thức quản lý mới, trong đó hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM) đã được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ứng dụng thành công. Tuy nhiên, để nghiên cứu ứng dụng phương thức quản lý mới, thì khả năng nhận biết và đổi mới là rất quan trọng, đòi hỏi doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định có hay không ứng dụng hệ thống mới (Saoula & cộng sự, 2019).

Thị trường kinh doanh khí hóa lỏng Việt Nam đang tồn tại tình trạng hàng giả, hàng nhái…, làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa và gây nguy hiểm cho người dùng. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách cải thiện chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng ISO 9000 hay Quản lý chất lượng toàn diện (TQM). Tuy nhiên, các nghiên cứu về ứng dụng TQM thường đi theo hai hướng là: (1) tác động của TQM tới các hoạt động của doanh nghiệp (Al-Dhaafri & cộng sự, 2016)…, và (2) các yếu tố tác động tới việc áp dụng TQM một cách hiệu quả (M.Terziovski & D.Power, 2007; Powell, 1995)…, mà chưa xuất hiện các nghiên cứu về ý định ứng dụng TQM vào trong tổ chức.

Để nghiên cứu ý định ứng dụng hình thức quản lý mới, nhiều nghiên cứu sử dụng mô hình chấp nhận công nghệ TAM của Davis (1989), nhưng dường như chỉ tập trung vào cảm nhận về sự hiệu quả và dễ sử dụng của hệ thống mới mà bỏ qua sự so sánh với hệ thống hiện tại đang áp dụng. Bởi rõ ràng, các tổ chức chỉ chấp nhận hệ thống mới khi có cảm nhận rằng, hệ thống mới hiệu quả vượt trội so với hệ thống cũ. Bên cạnh đó, một số tác giả mở rộng TAM bằng cách thêm vào các nhân tố mới, nhưng xem xét các nhân tố thuộc về cảm nhận bản thân người ra quyết định có ảnh hưởng thế nào đến ý định ứng dụng phương thức quản lý mới thì chưa. Mặc dù, yếu tố cảm nhận bản thân là yếu tố đã được khẳng định là tác động mạnh tới quyết định của con người, và thể hiện xu hướng dễ dàng chấp nhận cái mới hay không (Mai và cộng sự, 2009). Đây là yếu tố mà nhóm tác giả dự đoán rằng sẽ bổ sung rất tốt cho mô hình TAM trong các nghiên cứu về chấp nhận công nghệ hay phương thức quản lý mới của tổ chức.

Do vậy, nghiên cứu này áp dụng mô hình TAM và mở rộng mô hình để xem xét một số nhân tố ảnh hưởng đến ý định ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM) tại các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) Việt Nam. Theo đó, nghiên cứu này gồm năm nội dung chính: (1) Giới thiệu về nghiên cứu; (2) Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý luận; (3) Phương pháp nghiên cứu; (4) Kết quả và thảo luận; và (5) Một số hàm ý thúc đẩy ý định ứng dụng TQM.

Nghiên cứu về vai trò của TQM đối với các hoạt động của tổ chức

Các nghiên cứu này nhấn mạnh, áp dụng TQM sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức (Huarng & Chen, 2002). Các tổ chức càng áp dụng các tiêu chuẩn của TQM một cách khắt khe thì hiệu quả về chất lượng của sản phẩm của họ càng cao (Ahire & cộng sự, 1996). Mức độ áp dụng TQM có ảnh hưởng mạnh (thuận chiều) tới hiệu quả hoạt động của tổ chức, đặc biệt khi các doanh nghiệp có xu hướng quan tâm đến sự hỗ trợ giữa các đồng nghiệp với nhau hoặc sự hỗ trợ của doanh nghiệp đối với nhân viên (Joiner, 2007), hay TQM có tác động điều tiết mối quan hệ của hệ thống quản trị nhân lực tới hiệu quả hoạt động của tổ chức (Al-Dhaafri và cộng sự, 2016; Alghamdi, 2018).

Ngoài các nghiên cứu về vai trò của TQM trong doanh nghiệp, một số các nghiên cứu tập trung tiếp cận theo hướng nghiên cứu các điều kiện để áp dụng TQM vào trong tổ chức.

Nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng tới áp dụng TQM

Việc ứng dụng TQM chỉ hiệu quả nhất khi các tổ chức thực hiện một cách chính thức và dài hạn (Ahire & cộng sự, 1996). Các nghiên cứu này tập trung vào các nhân tố và mức độ, chiều hướng tác động của chúng đến việc áp dụng TQM cho các tổ chức (Nasim, 2018). Nguyên nhân của sự thất bại khi áp dụng TQM có thể là: (1) thực hiện TQM một cách nửa vời (Ahire & cộng sự, 1996); (2) sự phản đối của các quản lý cấp trung, sự không đồng thuận của các nhân viên, hoặc thiết kế chương trình đào tạo không phù hợp (Edwards & Sohal, 2003); (3) năng lực của nhà quản lý trong việc tìm hiểu, truyền đạt về hiệu quả kèm theo đó là lý do áp dụng TQM chưa thuyết phục (Beer, 2003). Theo đó, để áp dụng TQM hiệu quả thì cần tuân theo quy trình gồm bảy bước: (1) chọn khóa học để đánh giá; (2) chọn tiêu chí để đánh giá; (3) tiến hành đánh giá khóa học; (4) chuẩn bị báo cáo những kết quả đánh giá; (5) thực hiện kế hoạch hành động để cải tiến liên tục; (6) giám sát kế hoạch hành động; và (7) cải tiến liên tục (Nawelwa & cộng sự, 2015).

Như vậy, các nghiên cứu này mặc định việc áp dụng TQM sẽ mang lại hiệu quả cho các tổ chức (M.Terziovski & D.Power, 2007), do đó, các tác giả chỉ tập trung vào nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng tới việc áp dụng TQM một cách hiệu quả.

Đáng ngạc nhiên là sự thiếu vắng các nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng tới ý định áp dụng TQM, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng Việt Nam, khi mà chất lượng sản phẩm trong ngành này có rất nhiều vấn đề thì việc ứng dụng TQM sẽ được kỳ vọng mang lại chất lượng sản phẩm tốt hơn, an toàn hơn cho các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, để áp dụng TQM thì không phải doanh nghiệp kinh doanh kinh doanh khí hóa lỏng nào cũng sẵn sàng, do vậy, việc nghiên cứu về ý định ứng dụng TQM tại các doanh nghiệp này là cần thiết.

Khung lý thuyết về chấp nhận hệ thống

Mô hình chấp nhận công nghệ TAM đã được áp dụng trong nhiều nghiên cứu về ứng dụng công nghệ mới hay hình thức quản lý mới, và ở cả cấp độ cá nhân hay tổ chức (Davis, 1989). Đó là một lý thuyết mới được phát triển dựa trên lý thuyết hành vi hợp lý (TRA) nhằm giải thích một hành vi bất kỳ của con người nói chung, trong đó có hành vi chấp nhận một cái gì đó. Theo đó, hành vi của con người xuất phát từ thái độ của họ, do vậy, ý định thực hiện là yếu tố giải thích tốt nhất việc một hành vi nào đó được thực hiện (Ajzen, 1991).

Mặc dù TRA là một mô hình tiên phong trong việc giải thích hành vi của con người, nhưng riêng với hành vi chấp nhận cái mới thì mô hình TRA vẫn còn những hạn chế. Nghiên cứu của Ndubisi (2006) đã chỉ ra rằng, mặc dù cả hai mô hình giải thích ý định thực hiện hành vi là TPB (mở rộng của TRA) và TAM đều giải thích được ý định chấp nhận hệ thống, nhưng mô hình TAM giải thích tốt hơn TPB (Ndubisi, 2006). Kế thừa từ mô hình TRA, Davis đã phát triển TAM nhằm giải thích cho việc một người hay một tổ chức chấp nhận một hệ thống nào đó (Tang & cộng sự, 2010). Hai thành phần quan trọng mà Davis đưa thêm vào trong mô hình TRA để chuyển thành mô hình TAM là Cảm nhận về hiệu quả của hệ thống và Cảm nhận về sự dễ sử dụng của hệ thống (Davis, 1989).

Sau nhiều lần chỉnh sửa, cuối cùng TAM đã được Davis và cộng sự đưa ra, trong đó, yếu tố thái độ đối với việc sử dụng hệ thống đã không còn được đưa vào trong mô hình (Venkatesh & Davis, 1996). Từ mô hình này, các mô hình mở rộng của TAM phát triển theo bốn hướng gồm: các nhân tố thuộc về bối cảnh; các yếu tố bên ngoài tác động tới cảm nhận về”hiệu quả của hệ thống và cảm nhận về sự dễ sử dụng của hệ thống; các yếu tố từ các học thuyết khác; và sử dụng công cụ đo lường khác (Marangunić & Granić, 2015). Qua thời gian, việc áp dụng TAM đã cho thấy đây là một mô hình tương đối linh hoạt và được các nghiên cứu áp dụng trong rất nhiều các lĩnh vực khác nhau (Mortensona & Vidgen, 2016).

Từ những lập luận trên, nhóm tác giả sẽ sử dụng mô hình chấp nhận công nghệ mở rộng cuối cùng để tiến hành nghiên cứu vấn đề này. Bởi, xét cho cùng thì tuy việc ứng dụng hệ thống quản lý mới là quyết định của một tổ chức nhưng nó phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của người đứng đầu hoặc người chịu trách nhiệm của tổ chức, và thực tế đã có không ít nghiên cứu trên thế giới ứng dụng mô hình này để ra quyết định cho tổ chức. Vì vậy, việc sử dụng TAM cho nghiên cứu vấn đề này là phù hợp.

Ý định ứng dụng TQM của doanh nghiệp

Theo Davis, ý định chấp nhận hệ thống sẽ quyết định một tổ chức có sử dụng hệ thống ấy hay không (Ong & cộng sự , 2015). Ý định chấp nhận hệ thống được hiểu là mức độ nỗ lực, cố gắng để chấp nhận sử dụng hệ thống (Tang & cộng sự, 2010). Khi ý định chấp nhận hệ thống càng mạnh, thì khả năng tổ chức chấp nhận hệ thống đó càng cao. Một hệ thống được triển khai hay không, phụ thuộc trực tiếp vào ý định chấp nhận sử dụng hệ thống của người quyết định triển khai hệ thống (Sheikhshoaei & Oloumi, 2011). Ý định chấp nhận hệ thống chịu tác động mạnh từ cảm nhận từ sự hiệu quả và cảm nhận về tính dễ sử dụng và gần như không chịu tác động từ thái độ đối với hệ thống (Hasan, 2007).

Như vậy, khái niệm ý định chấp nhận hệ thống quản trị chất lượng toàn diện (TQM) trong nghiên cứu này được hiểu là mức độ mà một cá nhân sẵn sàng cố gắng và dự định sẽ nỗ lực để ứng dụng TQM vào trong tổ chức của mình.

Các nhân tố tác động tới Ý định ứng dụng TQM trong doanh nghiệp

Cảm nhận về sự hiệu quả của hệ thống

Một số nghiên cứu khẳng định, cảm nhận về hiệu quả của hệ thống tác động thuận chiều và mạnh mẽ tới ý định chấp nhận hệ thống (Brezavšček & cộng sự, 2014; Klein, 2007; Mariani & cộng sự, 2013). Ngược lại, một số nghiên cứu lại cho kết quả tác động thấp về mối quan hệ này (Ong & cộng sự, 2015). Như vậy, các nghiên cứu về ý định chấp nhận hệ thống ở các lĩnh vực ngành nghề khác nhau có kết quả chưa thực sự thống nhất với nhau.

Tuy nhiên, đối với việc lựa chọn hệ thống thay thế, việc so sánh cảm nhận về hiệu quả của hệ thống mới với hiệu quả thực tế của hệ thống cũ sẽ ảnh hưởng tới ý định thay thế hệ thống cũ bằng hệ thống mới (Xu & Quaddus, 2007). Do vậy, cảm nhận về sự hiệu quả của cách quản lý mới so với phương thức hiện tại sẽ là các nhân tố ảnh hưởng đến ý định ứng dụng TQM. Từ những lập luận trên, chúng tôi đề xuất các giả thuyết sau:

H1. Cảm nhận về sự hiệu quả của TQM so với hệ thống quản lý chất lượng hiện tại tác động tích cực đến ý định ứng dụng TQM trong các doanh nghiệp.

Cảm nhận về tính dễ sử dụng của hệ thống

Một vài nghiên cứu khẳng định, cảm nhận về tính dễ sử dụng của hệ thống tác động thuận chiều tới việc các cá nhân chấp nhận sử dụng hệ thống (Brezavšček & cộng sự, 2014).”Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho kết quả, cảm nhận về tính dễ sử dụng lại hoàn toàn không tác động tới ý định chấp nhận hệ thống (Ong & cộng sự, 2015). Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra mức tác động yếu của cảm nhận về tính dễ sử dụng tới ý định chấp nhận sử dụng hệ thống (Mariani & cộng sự, 2013).

Như vậy, các nghiên cứu về mối quan hệ này vẫn tồn tại những tranh cãi nhất định, do đó đề xuất giả thuyết:

H2. Cảm nhận về tính dễ sử dụng của TQM tác động tích cực đến ý định ứng dụng TQM trong các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng Việt Nam.

Cảm nhận về bản thân

Cảm nhận về bản thân xuất phát từ ý tưởng rằng mọi người chúng ta đều có những mường tượng về những gì chúng ta mong muốn. Cảm nhận về bản thân là khác nhau giữa các nền văn hóa (Markus & Wurf, 1987). Ở Việt Nam, con người thường là những kiểu người truyền thống và tập thể, điều này ảnh hưởng tới việc họ ra quyết định, vì cảm nhận về bản thân là yếu tố chính quyết định hành vi (Arnould & cộng sự, 2004). Có thể tồn tại cùng lúc hai loại cảm nhận bản thân là người hiện đại và truyền thống ở trong mỗi người, và điều này sẽ ảnh hưởng tới hành vi của họ (Mai & cộng sự, 2003). Theo đó, người có cảm nhận về bản thân là người hiện đại thường có xu hướng cởi mở hơn với sự thay đổi, chấp nhận cái mới. Ngược lại, người có cảm nhận bản thân là truyền thống được xác định là người ít có xu hướng chấp nhận cái mới (Mai & cộng sự, 2009).

Do đó, nhóm tác giả dự đoán những người cảm nhận bản thân là người hiện đại sẽ có xu hướng cảm thấy dễ dàng hơn khi tiếp xúc với hệ thống mới, ở đây là hệ thống quản lý chất lượng mới (TQM). Ngược lại, người truyền thống sẽ cảm thấy khó khăn hơn. Từ đó đề xuất các giả thuyết:

H3. Cảm nhận của người ra quyết định có tác động tích cực đến cảm nhận về tính dễ sử dụng của TQM.

Mô hình nghiên cứu ý định ứng dụng TQM
Mô hình nghiên cứu ý định ứng dụng TQM

Nội dung đề xuất liên quan:

https://seotravel.net/tac-dong-cua-hieu-ung-lay-lan-bien-dong-rui-ro-giua-cac-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-va-the-gioi/

5/5 - (1 vote)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses cookies. By browsing this website, you agree to our use of cookies. Visit our Privacy Policy