Mối quan hệ giữa phát triển tài chính và tiêu thụ năng lượng tái tạo

Toàn cầu hoá, phát triển tài chính, tiêu thụ năng lượng tái tạo
Toàn cầu hoá, phát triển tài chính, tiêu thụ năng lượng tái tạo

Tác động của toàn cầu hoá, phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, hầu hết các quốc gia hội nhập với thị trường toàn cầu đều chịu tác động của toàn cầu hóa. Mức độ toàn cầu hóa ngày càng tăng làm gia tăng các hoạt động kinh tế, dẫn đến sự gia tăng mức tiêu thụ năng lượng. Do đó, năng lượng đã trở thành một lĩnh vực quan trọng đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì việc sử dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng không tái tạo (than đá, dầu thô và khí đốt tự nhiên) có thể dẫn đến những hậu quả bất lợi cho môi trường do sự gia tăng phát thải carbon (Shahbaz & cộng sự, 2020) nên năng lượng tái tạo trở thành nguồn năng lượng quan trọng cho phát triển bền vững. Một trong những thách thức trong việc triển khai năng lượng tái tạo là chi phí vốn vì chi phí vốn ban đầu cho năng lượng tái tạo tương đối cao so với các nguồn năng lượng thông thường. Các dự án năng lượng tái tạo đòi hỏi vốn lớn thời gian hoàn vốn dài nên phát triển tài chính có thể là một nhân tố quan trọng đối với phát triển năng lượng tái tạo.

Bên cạnh chủ đề truyền thống về mối quan hệ giữa tiêu thụ năng lượng, phát triển kinh tế và ô nhiễm môi trường, một số nghiên cứu gần đây tập trung vào mối quan hệ giữa phát triển tài chính và tiêu thụ năng lượng tái tạo. Phát triển tài chính chủ yếu đề cập đến sự gia tăng các hoạt động tài chính của một quốc gia, chẳng hạn như tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng cung cấp tín dụng cho khu vực tài chính và khu vực tư nhân của các ngân hàng, sự phát triển của thị trường chứng khoán. Chang (2015) giải thích phát triển tài chính có thể tác động đến cầu năng lượng tái tạo vì các tổ chức tài chính và thị trường vốn phát triển có thể cung cấp các khoản cho vay cũng như tài trợ vốn cho các dự án năng lượng tái tạo. Hệ thống tài chính phát triển có thể tạo nguồn tài chính lớn hơn cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo với chi phí thấp hơn, tạo cơ hội đầu tư hoặc tài trợ cao hơn cho các dự án thân thiện với môi trường (Anton & Nucu, 2020).

Nghiên cứu này khác với các nghiên cứu đã có ở hai khía cạnh: Thứ nhất, mặc dù đã có một số các nghiên cứu điều tra mối quan hệ giữa phát triển tài chính, tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ năng lượng, nghiên cứu này tập trung vào tiêu thụ năng lượng tái tạo được rất ít các tài liệu hiện có xem xét. Thứ hai, theo hiểu biết của tác giả, bài viết này là một trong những nghiên cứu đầu tiên xem xét tác động của toàn cầu hoá, phát triển tài chính, tăng trưởng kinh tế, ô nhiễm môi trường đến tiêu thụ năng lượng tái tạo trong một khung khổ nghiên cứu.

Tổng quan nghiên cứu

Các tài liệu nghiên cứu về năng lượng tái tạo đã mở rộng đáng kể trong vài thập kỷ trở lại đây. Trong các tài liệu đó, tiêu thụ năng lượng tái tạo được khám phá trong mối liên hệ với toàn cầu hoá, phát triển tài chính, tăng trưởng và ô nhiễm môi trường.

Mối quan hệ giữa toàn cầu hoá và tiêu thụ năng lượng tái tạo

Trong quá trình toàn cầu hóa, các dòng chảy của vốn, thương mại quốc tế mang theo công nghệ dịch chuyển xuyên biên giới các quốc gia, làm thay đổi xu hướng sản xuất, tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu. Toàn cầu hóa giúp chuyển giao các công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển dễ dàng hơn. Thông qua toàn cầu hóa, độ mở lớn hơn với thị trường quốc tế mang lại tiến bộ công nghệ, phương pháp sản xuất, kỹ năng quản lý cũng như công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường. Mức độ toàn cầu hóa ngày càng tăng làm gia tăng các hoạt động kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang công nghệ năng lượng tái tạo do yêu cầu đổi mới công nghệ trong sản xuất. Chi phí ngày càng tăng do tác động bất lợi của việc tăng giá năng lượng dựa trên các nguồn nhiên liệu hóa thạch thúc đẩy triển khai rộng rãi năng lượng tái tạo. Mức độ tập trung cao của FDI vào các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao đòi hỏi chuyển giao vốn, kiến thức, công nghệ có thể thúc đẩy triển khai, sử dụng năng lượng tái tạo.

Các tài liệu nghiên cứu đề cập đến toàn cầu hoá trên ba phương diện: toàn cầu hóa kinh tế, toàn cầu hóa xã hội và toàn cầu hóa chính trị. Bằng chứng từ những nghiên cứu thực nghiệm nở rộ gần đây ghi nhận các tác động khác nhau của toàn cầu hóa đối với tiêu thụ năng lượng tái tạo khi sử dụng các thước đo khác nhau

của toàn cầu hóa. Gozgor & cộng sự (2020) khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế và mức độ toàn cầu hóa kinh tế cao hơn có tác động tích cực đến cầu năng lượng tái tạo ở 30 nước OECD. Tuy nhiên, Padhan & cộng sự (2020) lại chỉ ra ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa kinh tế đến tiêu thụ năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu Leitão (2014), Yazdi & Shakouri (2017) xác nhận mối quan hệ nhân quả hai chiều giữa toàn cầu hóa và năng lượng tái tạo.

Mối quan hệ giữa phát triển tài chính và tiêu thụ năng lượng tái tạo

Ba kênh khác nhau giải thích mối quan hệ giữa phát triển tài chính và tiêu thụ năng lượng gồm: Thứ nhất, phát triển tài chính khuyến khích nhiều hơn nguồn vốn FDI dẫn đến tiêu thụ năng lượng. Thứ hai, phát triển tài chính dẫn đến các phương pháp tiếp cận trung gian tài chính dễ dàng hơn, giảm thiểu rủi ro tài chính, giảm chi phí đi vay và tăng cường các giao dịch kinh tế minh bạch giữa người đi vay và người cho vay, thúc đẩy đầu tư, đảm bảo tính thanh khoản cho các dự án hiệu quả, mang lại nhiều cơ hội hơn để phát triển hoặc nâng cấp lĩnh vực năng lượng tái tạo, làm tăng cầu đối với các mặt hàng có giá lớn và tạo điều kiện sẵn sàng cho sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn. Thứ ba, phát triển thị trường vốn và thị trường tài chính tạo điều kiện cho các nền kinh tế dự trữ nhiều hơn, từ đó làm tăng mức tiêu thụ năng lượng (Lu & cộng sự, 2021).

Hệ thống các tài liệu thực nghiệm chủ yếu tập trung vào mối quan hệ giữa phát triển tài chính và tiêu thụ năng lượng nói chung. Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa phát triển tài chính và tiêu thụ năng lượng tái tạo còn khá hạn chế. Wu & Broadstock (2015) chỉ ra rằng phát triển tài chính có tác động dương đáng kể đến tiêu thụ năng lượng tái tạo ở 22 nền kinh tế thị trường mới nổi giai đoạn 1990–2010. Best (2017) cho rằng vốn tài chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các loại năng lượng sử dụng nhiều vốn hơn ở 137 quốc gia trong giai đoạn 1998–2013. Đối với các nước có thu nhập cao, vốn tài chính là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo hiện đại, đặc biệt là năng lượng gió. Kutan & cộng sự (2017) kết luận rằng dòng vốn FDI và sự phát triển thị trường chứng khoán đóng góp đáng kể vào tiêu thụ năng lượng tái tạo ở Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi giai đoạn 1990-2012. Anton & Nucu (2020) nhấn mạnh phát triển tài chính làm tăng tỷ trọng tiêu thụ năng lượng tái tạo ở 28 quốc gia EU giai đoạn 1990–2015.

Mối quan hệ giữa tăng trưởng và tiêu thụ năng lượng tái tạo

Các tài liệu về mối quan hệ giữa năng lượng tái tạo và tăng trưởng kinh tế đã phát triển mạnh mẽ trong hơn hai thập kỷ qua. Các nghiên cứu thực nghiệm xoay quanh bốn giả thuyết: Thứ nhất, giả thuyết tăng trưởng cho rằng tiêu thụ năng lượng tái tạo dẫn đến tăng trưởng kinh tế, nghĩa là sự gia tăng tiêu thụ năng lượng tái tạo thúc đẩy gia tăng sản lượng và nếu có bất kỳ sự giảm tiêu thụ năng lượng tái tạo nào xảy ra thì các chính sách tiết kiệm năng lượng sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Thứ hai, giả thuyết bảo tồn đề cập đến mối quan hệ nhân quả một chiều từ tăng trưởng đến tiêu thụ năng lượng tái tạo, nghĩa là tăng hay giảm tiêu thụ năng lượng tái tạo không ảnh hưởng đến tăng trưởng. Thứ ba, giả thuyết phản hồi bàn về mối quan hệ nhân quả hai chiều giữa tiêu thụ năng lượng tái tạo và tăng trưởng, nghĩa là gia tăng tiêu thụ năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng và ngược lại. Thứ tư, giả thuyết trung lập cho rằng hai biến này độc lập với nhau (Burakov & Freidin, 2017).

Phần lớn các tài liệu thực nghiệm báo cáo các kết quả khác nhau về mối quan hệ giữa tăng trưởng và tiêu thụ năng lượng tái tạo. Một số nghiên cứu đề cập đến quan hệ nhân quả một chiều từ tăng trưởng đến tiêu thụ năng lượng tái tạo (Menyah & cộng sự, 2010; Ocal và Aslan, 2013), một số nghiên cứu cung cấp bằng chứng về mối quan hệ nhân quả một chiều từ tiêu thụ năng lượng tái tạo đến tăng trưởng (Ozturk & Bilgili, 2015; Lee & Jung, 2018), một số tài liệu xác nhận mối quan hệ nhân quả hai chiều giữa hai nhân tố này (Lin & cộng sự, 2014).

Hệ thống tài liệu đã có cho thấy những phát hiện không nhất quán về tác động của tăng trưởng đến tiêu thụ năng lượng tái tạo. Một số tài liệu ghi nhận tác động cùng chiều của tăng trưởng đến tiêu thụ năng lượng tái tạo (Sadorsky, 2009; Tiwari, 2011), một số tài liệu báo cáo tăng trưởng có tác động tiêu cực đáng kể đến tiêu thụ năng lượng tái tạo (Alka, 2016; Shahbaz & cộng sự, 2021).

Mối quan hệ giữa phát thải CO2 và tiêu thụ năng lượng tái tạo

Các kết quả thực nghiệm về mối quan hệ giữa tiêu thụ năng lượng tái tạo và phát thải CO2 được cung cấp là hỗn hợp. Một số tài liệu xác nhận mối quan hệ nhân quả một chiều từ tiêu thụ năng lượng tái tạo đến

phát thải CO (Charfeddine & Kahia, 2019; Shafiei & Salim, 2014), một số tài liệu kết luận về mối quan hệ nhân quả một chiều từ phát thải CO đến tiêu thụ năng lượng tái tạo (Menyah & Wolde-Rufael, 2010), một số khác tìm thấy mối quan hệ nhân quả hai chiều giữa hai biến này (Menegaki, 2011), một số tài liệu tiết lộ không có mối quan hệ nhân quả giữa phát thải CO và năng lượng tái tạo (Paweenawat & Plyngam, 2017).

Về tác động của phát thải CO đến tiêu thụ năng lượng tái tạo, Sadorsky (2009) cho rằng phát thải carbon và GDP thúc đẩy tiêu thụ năng lượng tái tạo. Apergis & Payne (2015) tìm thấy tác động dương và có ý nghĩa của GDP bình quân đầu người thực tế, phát thải CO bình quân đầu người đến tiêu thụ năng lượng tái tạo ở các nước Nam Mỹ trong dài hạn. Omri & cộng sự (2015) khẳng định tăng phát thải CO và GDP làm tăng tiêu thụ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Sinha & cộng sự (2018) lập luận rằng chi phí cao cho năng lượng tái tạo trong giai đoạn đầu khiến các nền kinh tế đang phát triển hạn chế tài trợ cho năng lượng tái tạo vì lo ngại đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể hạn chế tăng trưởng trong ngắn hạn.

Phân tích ở trên cho thấy, các tài liệu nghiên cứu đã có báo cáo các kết quả mâu thuẫn nhau về tác động của toàn cầu hoá, phát triển tài chính, tăng trưởng và phát thải CO đến tiêu thụ năng lượng tái tạo. Nguyên nhân chủ yếu của các kết quả hỗn hợp này có thể là do việc sử dụng các mẫu có các đặc điểm khác nhau và phương pháp ước lượng khác nhau. Hơn nữa, các nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa toàn cầu hoá, phát triển tài chính, tăng trưởng, ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng tái tạo trong một khung khổ nghiên cứu còn khá hạn chế. Do đó, nghiên cứu này hy vọng có thể góp phần làm sáng tỏ tác động của toàn cầu hoá, phát triển tài chính, tăng trưởng và phát thải CO đến tiêu thụ năng lượng tái tạo ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Kết luận.

Sử dụng phương pháp tiếp cận ARDL để phân tích tác động của toàn cầu hoá, phát triển tài chính, tăng trưởng kinh tế và phát thải CO2 đến tiêu thụ năng lượng tái tạo ở Việt Nam giai đoạn 1995- 2019. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số phát hiện như sau: Thứ nhất, tồn tại mối quan hệ cân bằng dài hạn

giữa toàn cầu hoá, phát triển tài chính, GDP bình quân đầu người, phát thải CO2 và tiêu thụ năng lượng tái tạo. Thứ hai, trong dài hạn, toàn cầu hoá và gia tăng dân số thúc đẩy tiêu thụ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tăng trưởng và phát thải CO2 có tác động ngược chiều đến tiêu thụ năng lượng tái tạo. Phát triển tài chính không có tác động trực tiếp đến tiêu thụ năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Thứ ba, trong ngắn hạn, toàn cầu hoá và gia tăng dân số có tác động thúc đẩy tiêu thụ năng lượng tái tạo. Những thay đổi về mức phát thải CO2 và phát triển tài chính làm giảm tiêu thụ năng lượng tái tạo.

Các kết quả nghiên cứu xác nhận tác động tích cực của toàn cầu hoá đến tiêu thụ năng lượng tái tạo ở Việt Nam nên trong thời gian tới, chính phủ cần tiếp tục ủng hộ sự phát triển mức độ toàn cầu hoá để thúc đẩy tiêu thụ năng lượng tái tạo. Cụ thể, Việt Nam cần có các chính sách tạo thuận lợi để thu hút nguồn vốn FDI gắn với công nghệ xanh và sạch, tiếp tục chiến lược thương mại hướng ngoại, thúc đẩy phổ biến và chuyển giao công nghệ mới để khai thác lợi ích của toàn cầu hoá thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng tái tạo.

Kết quả nghiên cứu tiết lộ phát triển tài chính không có tác động đến tiêu thụ năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong dài hạn. Vì vậy, bên cạnh các chương trình nghị sự phát triển năng lượng tái tạo trong nước, Việt Nam cần tập trung phát triển hệ thống tài chính để cung cấp các động lực tốt hơn cho các dự án sản xuất năng lượng sạch, các hoạt động R&D hỗ trợ sử dụng năng lượng tái tạo. Các ưu đãi tài chính phù hợp cho công nghệ sạch và năng lượng tái tạo, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch cần được xem xét nhằm cải thiện chất lượng môi trường. Các tổ chức tài chính cần được thúc đẩy phát triển để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính từ thị trường chứng khoán và khu vực ngân hàng dễ dàng hơn cho đầu tư vào các thiết bị, công nghệ tiên tiến và tiết kiệm năng lượng.

Các kết quả nhấn mạnh tác động tiêu cực của phát thải CO đến tiêu thụ năng lượng tái tạo có thể bị bỏ qua vì chi phí cho năng lượng phi tái tạo thấp hơn. Những trở ngại liên quan đến chi phí cần được khắc phục với sự hỗ trợ của chính phủ, các doanh nghiệp lớn và các tổ chức quốc tế. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng tái tạo, cùng với cần có sự tham gia của các lực lượng thị trường, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng, vai trò của tiêu thụ năng lượng tái tạo đối với phát triển bền vững.

 

https://seotravel.net/tac-dong-cua-hieu-ung-lay-lan-bien-dong-rui-ro-giua-cac-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-va-the-gioi/

https://seotravel.net/vai-tro-cua-chinh-phu-dien-tu-de-thuc-day-hoat-dong-khoi-nghiep-o-mot-quoc-gia/

5/5 - (2 votes)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses cookies. By browsing this website, you agree to our use of cookies. Visit our Privacy Policy