Đóng góp của di cư lao động đối với thu nhập gia đình

Di cư lao động và đa dạng hóa thu nhập: định nghĩa và đo lường

Di cư là gì?

Di cư nói chung là một hiện tượng thay đổi nơi cư trú của các cá nhân từ nơi này sang nơi khác trong khoảng thời gian và không gian nhất định. Phụ thuộc vào mục đích điều tra thống kê và quản lý dữ liệu về di cư của mỗi quốc gia sẽ được ghi nhận và phân loại theo những thời điểm, giai đoạn, hoặc phạm vi không gian khác nhau. Hay nói cách khác, cho đến nay dường như chưa có sự thống nhất cho định nghĩa về di cư, bởi vì sự đa dạng của đặc tính di cư như thời gian, mục đích, pháp lý,… (IOM, 2019). Điển hình tại Hoa Kỳ, người di cư được định nghĩa là cá nhân thay đổi nơi thường trú; ngoại trừ trường hợp: nghỉ hè, kinh doanh, y tế, tôn giáo. Tại Trung Quốc, người di cư được xác định phải gắn liền với nơi đăng ký hộ khẩu (China Labour Bulletin, 2021).

Trường hợp Tại Việt Nam, người di cư được ghi nhận theo ít nhất bốn cách tiếp cận:

  • Thứ nhất, điều tra biến động dân số và kế hoạch gia đình thời điểm 01 tháng 4 do Tổng cục Thống kê thực hiện hàng năm thường xác định người di cư dựa theo sự thay đổi nơi cư trú trên phạm vi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian 12 tháng trước đó.
  • Thứ hai, Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 01 tháng 4, mỗi 5 năm (gần nhất là năm 2019) do Tổng cục Thống kê thực hiện, số người di cư là số người có nơi cư trú tại thời điểm điều tra khác với nơi họ cư trú 5 năm trước đó.
  • Thứ ba, trong cuộc điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 do Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện, người di cư được định nghĩa là người trong độ tuổi từ 15-59 và di chuyển từ huyện/quận này sang huyện/quận khác trong vòng 5 năm trước thời điểm điều tra và thỏa mãn một trong ba điều kiện như sau: (i) đã cư trú ở nơi điều tra từ 1 tháng trở lên, (ii) ở nơi điều tra mới dưới 1 tháng nhưng có ý định ở từ 1 tháng trở lên, (iii) nơi điều tra mới dưới 1 tháng nhưng trong vòng 1 năm qua đã rời khỏi nơi thường trú đến ở một quận/huyện khác với thời gian tích lũy từ 1 tháng trở lên để lao động kiếm tiền (Tổng cục Thống kê & Quỹ Dân số Liên hợp quốc, 2016).
  • Thứ tư, Điều tra mức sống hộ dân cư (VHLSS) do Tổng cục Thống kê thực hiện và xác định người di cư nếu họ thỏa các điều kiện: không còn là thành viên ít nhất 6 tháng và di chuyển đến quận/huyện khác trong thời gian đó. So sánh về cách tiếp cận định nghĩa người di cư hiện hữu tại Việt Nam, cho thấy rằng định nghĩa được sử dụng trong VHLSS khá phù hợp để nghiên cứu trong mối tương quan với sinh kế của hộ; đồng thời, cách tiếp cận xác định người di cư trong VHLSS có điểm tương đồng về phạm vi thời gian và không gian so với cuộc điều tra di cư nội địa năm 2015.

Di cư lao động

Người di cư đến địa phương khác với các mục đích, lí do khác nhau bao gồm: việc làm, kinh doanh, hôn nhân, học tập, du lịch, y tế, và chính trị. Tuy nhiên, quyết định di cư của họ, đặc biệt di cư nội địa, phần lớn xuất phát từ yếu tố kinh tế như cơ hội việc làm, cải thiện điều kiện sống; chiếm hơn 52% trong số những di cư được khảo sát (Tổng cục Thống kê & Quỹ Dân số Liên hợp quốc, 2016; Tổng cục Thống kê, 2019). Vì vậy, dữ liệu phân tích về di cư nội địa trong nghiên cứu này được sử dụng và diễn giải như di cư lao động.

Đa dạng hóa thu nhập

Đa dạng hóa thu nhập ở khu vực nông thôn từ lâu đã được khai thác, phân tích tại hầu hết các quốc gia kém hoặc đang phát triển và có nền kinh tế phụ thuộc vào ngành sản xuất nông nghiệp. Điển hình như một số nghiên cứu của Reardon & cộng sự (1992), Barrett & cộng sự (2001) được thực hiện tại một số quốc gia ở Châu Âu và Châu Phi. Theo đó, Đa dạng hóa thu nhập của hộ gia đình được thể hiện và ghi nhận thông qua việc phân bổ lực lượng lao động giữa các lĩnh vực: nông nghiệp và phi nông nghiệp (Ellis, 2000; Reardon & cộng sự, 2007), tự sản xuất kinh doanh hoặc làm thuê tại địa phương khác (Becker, 1965; Borjas & cộng sự, 1992). Do đó, đa dạng hóa thu nhập thường được tính toán dựa vào các nguồn thu nhập (S) của cá nhân hoặc hộ gia đình. Một trong những phương pháp thay thế và được sử dụng phổ biến để tính toán đa dạng hóa thu nhập của hộ gia đình (HHIi) là chỉ số Herfindahl-Hirschman như sau (Khai & Danh, 2014):

Chỉ số Herfindahl-Hirschman (1)
Chỉ số Herfindahl-Hirschman (1)

Trong đó: Ps là tỷ trọng nguồn thu nhập của hoạt động thứ s trong tổng thu nhập của hộ i. Giá trị của HHIi dao động từ 0 đến 1, giá trị gần bằng 1 nghĩa là hộ đạt mức độ đa dạng hóa càng cao và ngược lại. Trong thực tế, tỷ lệ hộ chỉ phụ thuộc duy nhất vào một nguồn thu nhập khá thấp và số nguồn thu nhập của hộ thường tương ứng từ 3-4 hoạt động: tiền lương, sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, và thu nhập khác.

Di cư lao động như chiến lược đa dạng hóa thu nhập của hộ: bằng chứng thực nghiệm

Nghiên cứu về đa dạng hóa thu nhập của hộ gia đình đã được khai thác, phân tích khá nhiều và chủ yếu xác định các yếu tố tác động đến hoặc ước lượng mức độ đa dạng hóa thu nhập đến thu nhập của hộ. Trong khi đó, khía cạnh nghiên cứu về di cư lao động trong mối quan hệ với đa dạng hóa thu nhập (chiến lược sinh kế) hầu như còn thiếu vắng. Một vài nghiên cứu điển hình được trình bày như sau:

Trong nghiên cứu về tác động của di cư đến đa dạng hóa thu nhập của hộ tại Burkina Faso, Wouterse & Taylor (2008) chỉ phát hiện tác động nhỏ của di cư đến thu nhập phi nông nghiệp. Tại quốc gia khó khăn kinh tế như Ghana, Marchett (2013) phát hiện rằng những hộ nghèo thường không đủ nguồn lực để thực hiện các hoạt động phi nông nghiệp và do đó họ chọn di cư như cách thay thế để cải thiện đời sống cho cả hộ.

Vài nghiên cứu ảnh hưởng của di cư tại Việt Nam cũng cho thấy bức tranh tương đồng. Điển hình như, Huy (2015) phát hiện rằng hộ có thành viên di cư đạt hiệu quả sản xuất lúa thấp hơn so với hộ không thành viên di cư; một phần do hộ thiếu vốn đầu tư các yếu tố sản xuất. Tuy nhiên, tổng thu nhập của hộ di cư có xu hướng gia tăng tương ứng với số thành viên di cư, bởi vì có sự đóng góp của dòng tiền gửi về hộ gia đình (Huy & Nonneman, 2016). Kết quả điều tra di cư nội địa năm 2015 cũng cho thấy có khoảng 30% người di

cư đã gửi tiền về cho gia đình, với mức bình quân 8,3 triệu VND/năm và số tiền này chủ yếu được sử dụng cho chi tiêu sinh hoạt hơn là đầu tư sản xuất, kinh doanh (Tổng cục Thống kê & Quỹ Dân số Liên hợp quốc, 2016). Vì vậy, có thể suy luận rằng các hộ ở khu vực nông thôn lựa chọn sự di cư của các thành viên trong hộ nhằm góp phần cải thiện đời sống, hơn là kỳ vọng tái đầu tư sản xuất hoặc kinh doanh từ dòng tiền gửi về của các thành viên di cư.

  • Hộ có thành viên di cư sẽ đạt mức đa dạng hóa thu nhập (HHIi) cao hơn nhóm hộ không có thành viên di cư; nghĩa là, hộ phân bổ lực lượng lao động tại địa phương và nơi khác nhằm gia tăng thu nhập.
  • Số tiền gửi về từ thành viên di cư sẽ góp phần gia tăng mức độ đa dạng hóa thu nhập của hộ di cư, thông qua tỷ trọng đóng góp vào tổng thu nhập.

https://seotravel.net/dong-gop-cua-di-cu-lao-dong-doi-voi-da-dang-hoa-thu-nhap-cua-ho-gia-dinh/

5/5 - (1 vote)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses cookies. By browsing this website, you agree to our use of cookies. Visit our Privacy Policy