Ảnh hưởng của đổi mới sáng tạo tới doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp

Bài viết xem xét tầm quan trọng và tác động của đổi mới sáng tạo tới doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp

Vai trò của đổi mới sáng tạo đối với hoạt động kinh doanh đã được khẳng định trong nhiều nghiên cứu khác nhau. Đặc biệt, đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng hơn trong điều kiện toàn cầu hóa và các mạng công nghiệp 4.0. Theo IMF (2018), toàn cầu hóa đã làm tăng tính cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho đổi mới sáng tạo để thoát cạnh tranh. Bên cạnh đó, theo Lee & cộng sự (2020), trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, cạnh tranh dựa trên lao động giá rẻ không còn phù hợp nữa. Tự động hóa ngày càng tăng và sự hội tụ công nghệ làm đổi mới sáng tạo trở nên quan trọng hơn. Trong bối cảnh này, tăng cường đổi mới sáng tạo trở nên trở rất cấp thiết đổi với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để phát huy tốt vai trò của đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp cần có chiến lược lược phù hợp cho các hoạt động đổi mới. Cụ thể, các doanh nghiệp cần kết hợp hai loại hình đổi mới (đổi mới quy trình và đổi mới sản phẩm) một cách hợp lý để đảm bảo quá trình đổi mới diễn ra hiệu quả. Bên cạnh đó họ cũng cần xác định mỗi loại hình đổi mới cần đạt đến cấp độ nào để tạo ra được những tác động đáng kể trên thị trường, đặc biệt là trên thị trường quốc tế.

Thực trạng đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp

Cơ sở lý luận về tác động của đổi mới sáng tạo đến doanh số và kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp.

Khái niệm, phân loại và cấp độ đổi mới sáng tạo

Theo OECD (2018) đổi mới sáng tạo là một sản phẩm hoặc quy trình mới hoặc được cải tiến (hoặc sự kết hợp của chúng) khác biệt đáng kể so với các sản phẩm hoặc quy trình trước đây của tổ chức và đã được cung cấp cho người dùng tiềm năng (đối với đổi mới sản phẩm) hoặc được tổ chức sử dụng (đối với đổi mới quy trình). Ở doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo là một sản phẩm hoặc quy trình kinh doanh mới hoặc được cải tiến (hoặc kết hợp của chúng) khác biệt đáng kể với các sản phẩm hoặc quy trình kinh doanh trước đây của doanh nghiệp và đã được giới thiệu ra thị trường hoặc được doanh nghiệp áp dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một sản phẩm là một hàng hóa hoặc dịch vụ (hoặc sự kết hợp của chúng). Quy trình kinh doanh bao gồm tất cả các hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm và các hoạt động phụ trợ hoặc hỗ trợ cho các hoạt động cốt lõi. Một sản phẩm mới được giới thiệu khi nó được cung cấp cho những người sử dụng. Quy trình kinh doanh được giới thiệu khi nó được đưa vào sử dụng thực tế trong hoạt động của doanh nghiệp. Giới thiệu được định nghĩa là lần đầu một sản phẩm hoặc quy trình kinh doanh khác biệt đáng kể được sử dụng.

Theo hướng dẫn mới nhất của OECD (2018), ở doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được phân thành hai loại hình chính là đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình. Đổi mới sản phẩm là hàng hóa hoặc dịch vụ mới hoặc được cải tiến khác biệt đáng kể so với hàng hóa hoặc dịch vụ trước đây của doanh nghiệp và đã được giới thiệu trên thị trường. Đổi mới quy trình là một quy trình kinh doanh mới hoặc được cải tiến cho một hoặc nhiều hoạt động chức năng có khác biệt đáng kể so với các quy trình kinh doanh trước đây đã được doanh nghiệp áp dụng.

Có hai cấp độ đổi mới sáng tạo cơ bản tương ứng với mỗi loại hình đổi mới sáng tạo bao gồm đổi mới sáng tạo mới so với doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo mới so với thị trường hoặc ngành công nghiệp. Mới so với doanh nghiệp là mức thấp nhất của đổi mới sáng tạo, là đổi mới sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng hoặc triển khai ở doanh nghiệp, nhưng không phải mới so với thị trường hoặc ngành công nghiệp. Mới so với thị trường/ngành là đổi mới được doanh nghiệp áp dụng/triển khai nhưng chưa có trên thị trường mà doanh nghiệp phục vụ hoặc trong ngành công nghiệp mà doanh nghiệp đang hoạt động. Ngoài hai cấp độ trên, có đổi mới so với thế giới, tuy nhiên loại đổi mới sáng tạo này ít xuất hiện ở các nước đang phát triển (OECD, 2018).

Quan hệ giữa đổi mới quy trình và đổi mới sản phẩm

Các nghiên cứu cho thấy đổi mới quy trình và đổi mới sản phẩm có nhiều điểm khác biệt, trong đó quan trọng nhất là khác biệt về mục tiêu và khác biệt về trình tự trong quá trình đổi mới sáng tạo. Về góc độ kỷ thuật, Un & Asakawa (2015) cho rằng đổi mới sản phẩm có mục đích chính là tạo ra sự mới lạ cho sản phẩm, giúp doanh nghiệp có được các sản phẩm tốt nhất trên thị trường, trong khi đó đổi mới quy trình không nhất thiết phải tạo ra sản phẩm mới mà giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Dựa trên lý thuyết nguồn lực, Lee & cộng sự (2019) lại lập luận rằng đổi mới quy trình có thể làm tăng lợi thế cạnh tranh về mặt nguồn lực là điều kiện để đổi mới sản phẩm. Một cách cụ thể hơn, Xie & cộng sự (2019) lập luận đổi mới quy trình đòi hỏi doanh nghiệp phải cải tiến một cách hệ thống toàn bộ các quy trình quản lý và vận hành để nâng cao hiệu quả của các nguồn lực, vì vậy, tạo ra nền tảng mới cho đổi mới sản phẩm; bên cạnh đó, đổi mới quy trình còn có thể trực tiếp giúp các doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng chủng loại sản phẩm hoặc sản xuất các sản phẩm hoàn toàn mới, do vậy cho phép họ nâng cao thị phần của mình.

Các kết quả nghiên cứu thực chứng khác nhau đã được triển khai cũng ủng hộ tác động tích cực của đổi mới quy trình đến đổi mới sản phẩm. Kết quả nghiên cứu với số liệu từ 209 doanh nghiệp ở Trung Quốc cho thấy tác động của tích cực của đổi mới quy trình đến đổi mới sản phẩm (Xie & cộng sự, 2019). Một nghiên cứu với số liệu từ 856 doanh nghiệp ở Hàn Quốc cho thấy đổi mới quy trình có tác động tích cực đến đổi mới sản phẩm cả trên hai cấp độ đổi mới đột biến và đổi mới dần dần (Lee & cộng sự, 2019). Tương tự, trong một nghiên cứu mới đây với số liệu khảo sát từ 642 nghiệp ở Trung Quốc, Wang & cộng sự (2021) cho thấy đổi mới quy trình xanh có tác động tích cực đến đổi mới sản phẩm xanh.

  • Như vậy: Đổi mới quy trình có tác động tích cực đến đổi mới sản phẩm

Quan hệ giữa đổi mới sáng tạo và kết quả kinh doanh (doanh số và kim ngạch xuất khẩu)

Từ lâu, đổi mới sáng tạo được coi làm một trong những yếu tố quan trọng nhất cho sự thành công dài hạn của các doanh nghiệp, do đổi mới sáng tạo giúp các doanh nghiệp giảm thiểu áp lực cạnh tranh trực tiếp trên thị trường. Tuy nhiên, theo thời gian, áp lực cạnh tranh sẽ tăng do sự bắt chước của đối thủ cạnh tranh nếu doanh nghiệp không tiếp tục đổi mới (Schumpeter, 1934). Ngày nay, dưới tác động của khoa học và công nghệ, vòng đời sản phẩm ngày được rút ngắn thì đổi mới sáng tạo càng trở nên quan trọng hơn trong việc duy trì sự thành công trên thị trường (Atalay & cộng sự, 2013). Cụ thể, đổi mới sản phẩm giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi sản phẩm, tạo ra các sản phẩm độc đáo hơn để gia nhập thị trường mới hoặc gia tăng doanh số trên thị trường hiện tại (Becker & Egger, 2013; Evangelista & Vezzani, 2010).

Trong khi đó đổi mới quy trình cho phép doanh nghiệp cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí và thời gian (Evangelista & Vezzani, 2010; Lee & cộng sự, 2019). Vì vậy, các doanh nghiệp có mức độ đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình cao hơn, sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường, nên có doanh số và kim ngạch xuất khẩu cao hơn các doanh nghiệp khác.

Các kết quả nghiên cứu thực chứng khác nhau đã được triển khai cũng ủng hộ tác động tích cực của đổi mới quy trình và đổi mới sản phẩm đến doanh số và kim ngạch xuất khẩu. Nghiên cứu mới đây của Psomas & cộng sự (2018) dựa trên mẫu nghiên cứu là 433 sản xuất và dịch vụ ở Hy Lạp cũng cho thấy đổi mới sáng tạo có tác động tích cực đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường (thị phần, mức độ thâm nhập thị trường, hình ảnh doanh nghiệp trên thị trường, lợi thế cạnh tranh trên thị trường). Tương tự, kết quả nghiên cứu trên mẫu với 379 doanh nghiệp bảo hiểm ở Sri Lanca cũng cho thấy đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (Rajapathirana & Hui, 2018). Nghiên cứu cứu được thực hiện bởi Kirbach & Schmiedeberg (2008) với mẫu nghiên cứu gồm 12,500 trong khoảng thời gian từ 1993-2003 cho thấy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có xu hướng xuất khẩu cao hơn và có thị phần lớn hơn trên thị trường quốc tế. Nghiên cứu gần được thực hiện bởi Edeh & cộng sự (2020) trên mẫu nghiên cứu là 890 doanh nghiệp sản xuất ở Nigeria cho thấy cả đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình đều có tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu.

=> Đổi mới quy trình và sản phẩm có tác động tích cực đến doanh số và kim ngạch xuất khẩu

Xem thêm

Vai trò môi trường tự chủ và động lực nội tại đến sự sáng tạo của người lao động

Ảnh hưởng của kiểm soát nội bộ đến hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp

 

5/5 - (1 vote)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses cookies. By browsing this website, you agree to our use of cookies. Visit our Privacy Policy