Những nội dung chính trong chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp

Những nội dung chính trong chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp

Thứ nhất, chuyển đổi môi trường học tập và môi trường sư phạm tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, môi trường sư phạm tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là công cụ linh hoạt, có thể điều hướng dễ dàng phục vụ cho các mục tiêu, ý tưởng và chiến lược chuyển đổi số, giúp điều chỉnh quá trình chuyển đổi số của nhà trường phù hợp với nhu cầu của người học (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – OECD, 2018). Theo nhiều nghiên cứu, các phương pháp sư phạm có thể ứng dụng tốt trong môi trường kỹ thuật số gồm: học tập dựa trên áp dụng/thực hành; trải nghiệm cá nhân, kết hợp và dựa trên trò chơi. Sự kết hợp của các phương pháp này theo nhiều cách khách nhau có thể giúp nâng cao hiệu quả của chúng đồng thời tạo nên các cách tiếp cận độc đáo cho việc dạy và học cũng như đảm bảo chất lượng trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tạo ra người lao động có đầy đủ các kỹ năng số (EC, 2020). Điều này là phù hợp với bản chất của giáo dục nghề nghiệp – là hình thức học tập dựa trên áp dụng và thực hành (Smyrnaiou & cộng sự, 2016).

Với sự hỗ trợ của kỹ thuật số, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên thế giới đã cung cấp nhiều hình thức trải nghiệm mới, giúp học viên có thể nắm bắt nhanh, chính xác các kiến thức, kỹ năng cần thiết thông qua mô phỏng thực tế ảo, dạy học dựa trên video, học tập trong buồng lái (Flight simulation)…; được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế (mô phỏng chăm sóc sức khỏe); trong ngành công nghiệp chế tạo, cơ khí, chế biến (mô tả hoạt động trong xưởng cưa; phun sơn công nghiệp)…

Các phương tiện kỹ thuật số cũng giúp phổ biến phương pháp học tập dựa trên dự án, lấy người học làm trung tâm, chuyển đổi môi trường học tập theo hướng tích cực khám phá các thử thách trong thế giới thực thông qua các dự án được tổ chức xung quanh một vấn đề cho trước; vốn được các nước châu Âu coi trọng (EC, 2018); phù hợp với người trưởng thành và vừa học vừa làm (Weise, 2014).

Các phương pháp dạy học kết hợp cũng giúp tối đa hóa các tài nguyên công nghệ, kỹ thuật số được sử dụng, để tăng sự đa dạng trong học tập, đáp ứng nhu cầu học tập cá nhân và thúc đẩy sự tương tác trong lớp học, được sử dụng kết hợp trong các bài học cá nhân và lớp học đảo ngược (Paniagua & Istance, 2018), ví dụ như chương trình Omnia’s Edutech Bootcamp của Finland. Mặc dù vậy, phương pháp này không phù hợp cho các học viên kém độc lập, cần nhiều hỗ trợ từ giáo viên hơn; cũng không phù hợp cho tất cả các môn học.

Phương pháp học tập dựa trên trò chơi hay ‘gamifcation’, sử dụng kỹ thuật số để thu hút người học, giúp họ trải nghiệm tìm hiểu, giải quyết vấn đề và ra quyết định, thường phù hợp với các đối tượng học sinh kém, nhỏ tuổi, và học sinh nam, ví dụ như SOLAS của Ireland.

Thứ hai, chuyển đổi số được thực hiện từ đơn giản (DVD) tới phức tạp (trí thông minh nhân tạo).

Các công cụ học tập kỹ thuật số gồm nhiều loại, từ máy tính xách tay, DVD, bảng tương tác và máy quay kỹ thuật số… Cùng với sự phổ biến của các công cụ và tài nguyên trực tuyến, khả năng kết nối 4G, các công nghệ mô phỏng thực tế ảo đã góp phần gia tăng đáng kể khả năng phân tách việc dạy và học theo thời gian và địa điểm khác nhau; tăng khả năng tiếp cận của người học mới và khả năng trải nghiệm của họ; cung cấp các phản hồi nhanh hơn, phù hợp hơn cho giáo viên và các nhà quản lý.

Trong những năm gần đây, sự phát triển của mạng 5G, trí tuệ nhân tạo và cả những cơ hội – thách thức mà dịch Covid-19 đặt ra, đã tạo điều kiện tăng cường sử dụng kỹ thuật số trong giáo dục nghề nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời cũng phản ánh những thiếu sót trong giáo dục dựa hoàn toàn vào kỹ thuật số và lớp học ảo (Aggarwal, 2020). Cụ thể bao gồm:

Một là, học trực tuyến (Online learning): Các bài học trực tuyến hiện được áp dụng riêng lẻ trong các bài học riêng rẽ hoặc trong các khóa học đầy đủ, cho phép tăng quyền truy cập của các đối tượng sinh viên một cách chính thức và không chính thức. Các tài nguyên giáo dục mở (OER) và học liệu mở (OWC) đã giúp cung cấp các tài liệu giảng dạy và học tập, modul khóa học và nhiều khóa học hoàn chỉnh ở dạng kỹ thuật số, cho phép cung cấp công khai, mở trên nền tảng internet. Bên cạnh đó, việc cho phép tự do sao chép, sử dụng, điều chỉnh và chia sẻ các nguồn tài nguyên này cho phép mở rộng đối tượng giáo dục đồng thời hỗ trợ quá trình giảng dạy chính quy của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ví dụ như sáng kiến Open Courseware của Đại học Công nghệ Delf ở Hà Lan cho phép cung cấp các khóa học song song với chương trình tín chỉ của nhà trường, cung cấp các nội dung hỗ trợ học tập cho cả giáo viên, sinh viên và các đối tượng khác. Nhờ đó, các hệ thống này giúp các cơ sở giáo dục giảm hiện tượng sao chép không cần thiết và các chi phí liên quan đến việc sản xuất, phân phối tài liệu cũng như tăng khả năng truy cập học tập của học viên. Điều này khá phổ biến ở Đại học Politechnica, Romania; Đại học Leipzig của Đức, Đại học kỹ thuật Trung Đông của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, các nền tảng cộng đồng, chia sẻ nhanh như Dropbox, Google drive… cho phép tăng cường lượng người truy cập giáo dục nghề nghiệp từ xa, đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải nắm bắt nhanh chóng (như Đại học Mở, Vương quốc Anh đã thực hiện) (Berger & Benedikt Frey, 2016).

Trong số các công nghệ học tập kỹ thuật số, đáng nhắc tới phải là các khóa học trực tuyến được mở rộng rãi (MOOC), đòi hỏi cần chia nhỏ các modul học tập thành các phân đoạn ngắn MOOC, tương thích với nhu cầu cá biệt của từng người học như mạng lưới tổ chức học thuật của Italia; cổng thông tin MeMOOC của Hungary; Copernicus College, Navoice của Ba Lan… Các nền tảng MOOCs cũng có thể góp phần duy trì việc học tập suốt đời, cho phép người lao động có được các kỹ năng và năng lực phù hợp với bất kì giai đoạn nào trong sự nghiệp mà không cần thực hiện các chương trình chính quy chuyên sâu; giúp đào tạo lại và nâng cấp kỹ năng của lao động nghề (Berger & Benedikt Frey, 2016).

Ngày nay, nhờ sự lan truyền của IoT, nhiều hình thức truyền thông xã hội như các trang mạng xã hội (Facebook, linkedIn; Microblog, Twitter); các nền tảng chia sẻ video (Youtube); blog và wiki… cũng tham gia vào việc cung cấp kiến thức giáo dục nghề nghiệp thông qua các thiết bị di động (điện thoại thông minh và máy tính bảng), tuy nhiên, chất lượng và độ tin cậy chưa được kiểm chứng.

Hai là, hình thức mô phỏng: Gồm các công nghệ có thể mô phỏng thực tế như thực tế ảo tăng cường (AR); thực tế ảo hỗn hợp (MR) và thực tế ảo (VR), kết hợp các phương pháp học tập theo cách thức kiến tạo, cho phép nâng hiệu quả dạy – học trong các lĩnh vực như du lịch, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật hoặc thiết kế kiến trúc (Virtual Reality and Augmented Reality in Europe, 2019). Điều này giúp người học có thể hình dung các khái niệm khoa học trừu tượng bằng cách hiển thị chúng dưới dạng mô hình 3D; giáo viên có thể tùy biến các nhiệm vụ cho từng học viên cũng như thực hiện phân tích học tập thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ việc thu thập và phân tích dữ liệu liên quan tới người học trên quy mô lớn và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Các ứng dụng AI cho phép giảng viên điều chỉnh việc dạy và học phù hợp với sự tiến bộ.

Ứng dụng AI cho phép điều chỉnh việc dạy và học phù hợp với sự tiến bộ của cá nhân người học thông qua việc phân tích số liệu học tập hàng ngày, góp phần cung cấp cơ sở dữ liệu về giáo dục và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai AI trong giáo dục nghề nghiệp vẫn còn ở thời kì sơ khai, ngay cả ở các quốc gia đang phát triển như (Đan Mạch, Na Uy, Anh và Hà Lan) ở châu Âu.

Ba là, hoàn thiện các công cụ đánh giá kỹ thuật số và sự công nhận kết quả giáo dục số:

Để đảm bảo hoàn thiện quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đòi hỏi cần có nhiều công cụ và cách thức đánh giá toàn bộ quá trình dạy và học; bao gồm việc thiết kế công cụ, xây dựng quy trình đánh giá đến việc cung cấp cách thức và kết quả đánh giá cho các bên có liên quan. Để đảm bảo đánh giá toàn diện quá trình dạy và học trên môi trường số, đòi hỏi cần có nhiều phương pháp tiếp cận mới và sáng tạo; ví dụ như cho phép truy cập internet và kiểm tra online qua các ePortfolio (thư mục điện tử); xây dựng các hệ thống đánh giá tổng hợp thông qua hệ thống quản lý học tập điện tử như Mahara và Moodle, cho phép học sinh truy cập các bảng điểm, bản video hoặc âm thanh được ghi lại (Tổ chức đào tạo Châu Âu – ETF, 2018; Sahlberg, 2014).

Đối với các hình thức dạy và học trên thiết bị di động thông minh, việc đánh giá có thể sử dụng các ứng dụng nhúng trong công nghệ di động như TRIALOG; DELTA, Europass… dựa trên công nghệ blockchain, cung cấp không chỉ đánh giá mà còn cung cấp các xác thực kỹ thuật số về kết quả học tập, giúp chia sẻ không chỉ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học viên, gia đình, mà còn với các bên liên quan như nhà tuyển dụng lao động…

Thứ ba, thay đổi phương pháp sư phạm và học tập sử dụng kỹ thuật số trong giáo dục nghề nghiệp:

Để thực sự khai thác được các điểm mạnh và lợi thế của công nghệ dạy – học kỹ thuật số, cần xác định rõ điểm mạnh – yếu của từng công cụ cũng như mức độ phù hợp với từng modul học phần, từng đối tượng giáo dục nghề nghiệp ở các cấp độ khác nhau; cần tìm ra điểm cân bằng tối ưu giữa học tập ảo và trải nghiệm thực tế; giảm khả năng gián đoạn trong học tập trực tuyến. Việc chỉ định các phương pháp sư phạm phù hợp với môi trường số là không dễ dàng. Bản thân công nghệ thông tin và sự tinh vi của công nghệ không giúp nâng cao khả năng học tập mà đòi hỏi giáo viên phải áp dụng các phương pháp sư phạm phù hợp. Mối quan hệ giữa phương pháp sư phạm và sử dụng kỹ thuật, công nghệ dạy – học được áp dụng không phải là mối quan hệ đơn phương đơn giản. Vì vậy, giáo viên đòi hỏi phải lựa chọn phương pháp sư phạm và công nghệ phù hợp với bản chất, trình độ của người học và kiến thức giảng dạy (Hình).

Hình: Mối quan hệ giữa kỹ thuật số hóa và đổi mới phương pháp sư phạm trong giáo dục nghề nghiệp

Hình - Mối quan hệ giữa kỹ thuật số hóa và đổi mới phương pháp sư phạm trong giáo dục nghề nghiệp

Xu hướng chuyển đổi số đối với giáo dục nghề nghiệp trên thế giới

Những vấn đề Việt Nam đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ như IoT, Big Data, AI, SMAC cho phép phát triển nhanh chóng hạ tầng giáo dục số; tăng khả năng cung cấp các modul và khóa học đồng thời tăng khả năng truy cập giáo dục nghề nghiệp từ nhiều đối tượng khác nhau. Giáo dục số trong giáo dục nghề nghiệp đã giúp giảm việc truyền thụ kiến thức theo hình thức thuyết giảng sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học.

Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức, bởi vì:

  • Một là, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam được cấu thành bởi nhiều đơn vị, với nguồn lực, trình độ và khả năng chuyển đổi số trong dạy – học, kiểm tra, đánh giá khác nhau, do vậy chiến lược chuyển đổi số trên toàn hệ thống trở nên khó khăn. Mặc dù, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là tất yếu, nhưng để triển khai, cần có sự chuẩn bị, đầu tư phù hợp, đồng bộ, mang tính hệ thống.
  • Hai là, cơ chế, hành lang pháp lý về chuyển đổi số đã được xây dựng, nhưng việc triển khai trên thực tế vẫn đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả, chất lượng dạy – học online và an toàn thông tin mạng.
  • Ba là, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhìn chung còn yếu và chưa có điều kiện trang bị đồng bộ, nguồn vốn đầu tư còn rất hạn chế, các giải pháp chuyển đổi số chưa khả thi, chưa phù hợp với trình độ công nghệ quốc gia và quốc tế. Hiện tại việc chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng ở Việt Nam mới được thực hiện chủ yếu trong hoạt động quản lý giáo dục (số hóa và định danh dữ liệu của khoảng 53.000 trường học; sử dụng các phần mềm quản lý trường học; ứng dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử và phần mềm quản trị nhà trường… Trong lĩnh vực dạy – học chỉ mới dừng lại ở việc hình thành Hệ tri thức Việt số hóa cho toàn ngành, lồng ghép các nội dung giáo dục STEM vào các cấp học. Việc triển khai chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp dường như chưa có nhiều bước ngoặt đáng kể.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, 100% dịch vụ công liên quan tới giáo dục nghề nghiệp được triển khai trực tuyến mức độ 4; 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển đổi số hoàn toàn; 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai nền tảng dạy nghề trực tuyến, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa không chỉ của Nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà còn của toàn xã hội (Hồ Thị Ngọc Thủy, 2021).

Những khuyến nghị nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số bền vững trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam
Chuyển đổi số là một quá trình, việc tạo ra sự thay đổi của cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng như duy trì và phát triển các kết quả chuyển đổi có vai trò quan trọng như nhau. Để thực hiện được 2 mục tiêu đó, Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, gồm:

  • Một là, cần xây dựng khung thể chế hoàn chỉnh về chuyển đổi số cho toàn bộ hệ sinh thái giáo dục nghề nghiệp (Hình 1), trong đó chú trọng ở 4 khía cạnh: (1) Thay đổi cách thức tiếp cận đối với giáo dục nghề nghiệp trong thời đại số, tiến hành phân tầng đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp để có những chính sách đầu tư phù hợp; (2) Tạo môi trường số phù hợp với hoạt động dạy – học nghề tại từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo đội ngũ lao động nghề có đủ các kỹ năng số chung đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; (3) Thay đổi phương thức quản trị, tài chính và lãnh đạo linh hoạt theo sự chuyển đổi chung của môi trường giáo dục số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; (4) Tăng cường sự hợp tác quốc tế và xã hội hoá trong giáo dục nghề nghiệp và tăng cường mức độ tương tác với các đối tượng có liên quan trong suốt quá trình đào tạo, đánh giá người học.
  • Hai là, cần chú trọng xây dựng lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số ở từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng vùng, từng khu vực và toàn quốc gia, phù hợp với định hướng phân tầng hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chú trọng tới sự hợp tác liên ngành trong chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp, tăng cường tối đa huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp, nhất là trong trang bị cơ sở hạ tầng số cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cho cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
  • Ba là, cần thay đổi nhận thức và cách thức tiếp cận mới (mang tính hệ thống, bền vững) đối với chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp. Việc thay đổi này không chỉ tác động đối với các đối tượng trực tiếp là người dạy, người học mà còn cả ở đội ngũ quản lý, lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và các bên có liên quan (doanh nghiệp, phụ huynh, các đối tác…); chú trọng tới việc xây dựng văn hóa số trong giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời, tinh thần tự giác, sẵn sàng trải nghiệm; tích cực tương tác với hệ thống số trong giáo dục nghề nghiệp; liêm chính, công bằng trong đánh giá kết quả số của học viên.
  • Bốn là, cần chọn lựa kỹ các công cụ kỹ thuật số, đảm bảo sự tương thích giữa các công cụ số được sử dụng với thực trạng công nghệ số tại từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với trình độ của giáo viên, học viên cũng như khả năng đầu tư của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xác định rõ các năng lực số chung cho lao động nghề trong từng giai đoạn. Từ đó, xây dựng các bộ công cụ kỹ thuật số chung được sử dụng trong quá trình đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với sự phân tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, vừa đảm bảo đào tạo đội ngũ lao động nghề có những kỹ năng chung cơ bản mà thị trường yêu cầu; đồng thời, cũng tạo điều kiện phát triển các lao động nghề có trình độ cao, kỹ năng số chuyên sâu, tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia.

Kết luận

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp không chỉ đơn giản là chuyển từ phương thức dạy học truyền thống sang dạy học trực tuyến; không chỉ là các hoạt động mang tính thời điểm mà là một quá trình thay đổi trong phương thức thực hiện giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi cả hệ sinh thái giáo dục nghề nghiệp bắt đầu từ nhận thức, đầu tư, quản trị giáo dục nghề nghiệp cho tới thay đổi phương pháp, cách thức, kỹ thuật thực hiện giảng dạy – học tập; thay đổi trải nghiệm giáo dục… (Đỗ Thị Ngọc Quyên, 2021).

Chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhưng là một quá trình không thể đảo ngược, vì vậy, đòi hỏi việc đề xuất chính sách, triển khai thực hiện chính sách chuyển đổi số cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, căn cứ trên kinh nghiệm lý thuyết và thực tiễn của các quốc gia trên thế giới, áp dụng phù hợp với điều kiện trong nước và của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mỗi kiến nghị đều cần được tiếp tục nghiên cứu cụ thể, xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công thực hiện hợp lý; thực hiện thí điểm trước khi triển khai đại trà cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước.

 

https://seotravel.net/xu-huong-chuyen-doi-so-doi-voi-giao-duc-nghe-nghiep-tren-the-gioi/

5/5 - (1 vote)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses cookies. By browsing this website, you agree to our use of cookies. Visit our Privacy Policy